Khu chế xuất, KCN góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa TP Hồ Chí Minh

Ngày 27/10, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp và thành lập Ban Quản lý (1992 - 2022).

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá cao sự phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP Hồ Chí Minh trong 30 năm qua; trong đó, nhấn mạnh TP Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong việc phát triển mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp; phát huy được tiềm năng, lợi thế và có những đóng góp quan trọng vào sự triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, sự phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp trong thời gian qua đã tạo nguồn lực cho phát triển công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu đúng hướng và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa của thành phố. Đó là việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu hút đầu tư; xây dựng hạ tầng hiện đại, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, phương thức quản lý chuyên nghiệp; các dự án đầu tư tiên tiến có giá trị gia tăng cao; đúng định hướng; nhiều cơ chế chính sách mới, đột phá, hiệu quả.

Cũng theo Thứ trưởng, thành công trong việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố đã có tác động lan tỏa, mạnh mẽ, tích cực đến các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Long An... Việc đẩy nhanh, hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp, sử dụng có hiệu quả nguồn đất đai, bước đầu liên kết các vùng Đông Nam bộ tạo thành hệ sinh thái khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị và logictics…

"Các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế là nhân tố quan trọng góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; đóng góp lớn trong việc thu ngân sách, tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thúc đẩy hội nhập sâu rộng vào kinh tế thới giới của Việt Nam", Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.

Chia sẻ những hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng, phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, Thành phố tiếp tục phát huy kinh nghiệm, thành quả đạt được; nâng cao hiệu quả hoạt động các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện có; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án đầu tư có công nghệ gắn với chuyển giao công nghệ; sử dụng tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; đẩy nhanh các dự án có giá trị gia tăng cao và ứng dụng các thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

"Thành phố cũng cần đẩy mạnh và hoàn thiện trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thành phố giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, có phương án quy hoạch các khu chế xuất, khu công nghiệp; phát huy vai trò tiên phong đổi mới, sáng tạo của thành phố theo hướng các khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, sinh thái… Đồng thời, tăng cường quản lý công tác bảo vệ môi trường khu chế xuất, khu công nghiệp; quan tâm giải quyết khó khăn về nhà ở và các công trình tiện nghi, tiện ích cho người lao động…", Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ.

Chú thích ảnh
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh việc hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố từ những năm 1990 cho thấy khát vọng vươn lên, ý chí quyết tâm, sự năng động sáng tạo, dám nghỉ, dám làm của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo thời bấy giờ đã nỗ lực hết mình để góp phần cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu mà Trung ương đặt ra cho thành phố. Quá trình phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp còn cho thấy lực lượng kế thừa, đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo; hình thành đội ngũ công nhân lao động mới có trình độ, tay nghề, các nhà quản lý có kinh nghiệm quốc tế. Qua đó, góp phần phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển, đặc biệt là tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Điểm qua kết quả đạt được sau 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng cảm ơn các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đến TP Hồ Chí Minh đầu tư, xây dựng, phát triển và có những cống hiến, đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội, tạo việc làm ổn định, chăm lo tốt cho người lao động.

Theo người đứng đầu Đảng bộ thành phố, sau 30 năm xây dựng và phát triển, bài học kinh nghiệm từ các khu chế xuất, khu công nghiệp là phải tư duy liên tục, năng động sáng tạo, phải quy tụ chất sám, phát triển nội lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Điều này cũng đã được khẳng định tại chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI đã đề ra là: "Tập trung phát triển công nghiệp có chiều sâu, có hàm lượng khoa học – công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa vào nền tảng công nghiệp, công nghệ cao của kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghệ hỗ trợ; tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu; từng bước chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng khu khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao".

"Do vậy, trước hết cần thống nhất quan điểm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn mới; tập trung hoàn thiện quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, phát triển phải luôn luôn song hành giải quyết những vấn đề xã hội; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các công trình, thiết yếu phục vụ cho người lao động như: nhà lưu trú, ký túc xá, trường học. Ban Quản lý Khu chế xuất, công nghiệp thành phố cần tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; các cấp ủy, chính quyền địa phương có trách nhiệm tham gia hỗ trợ và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của từng cơ quan đơn vị và địa phương…", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH và ĐT cho các tập thể, cá nhân Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp và doanh nghiệp thành phố có nhiều đóng góp tích cực. 

Theo Ban Quản lý Khu chế xuất, công nghiệp thành phố, sau 30 năm phát triển, Thành phố hiện có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp đi vào hoạt động; góp phần thực hiện các mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển.

Lũy kế đến tháng 9 năm 2022, các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 7 tỷ USD; nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 281.000 lao động.

Dịp này, UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao tặng cờ thi đua cùng nhiều kỷ niệm chương bằng khen cho các tập thể, cá nhân Ban Quản lý Khu chế xuất, công nghiệp và doanh nghiệp thành phố có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh.

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Đầu tư vào khu công nghiệp – khu chế xuất: Cần hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ
Đầu tư vào khu công nghiệp – khu chế xuất: Cần hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ

Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất không chỉ có mặt bằng và nhà xưởng mà cần phát triển đồng bộ các dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như đời sống cho đội ngũ lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN