Đây là một trong những hoạt động khuôn khổ của dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp nhận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” và Khu Công nghiệp Hiệp Phước được chọn thí điểm đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: sau 30 năm xây dựng và phát triển, các khu chế xuất, khu công nghiệp tại thành phố đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước, song cũng có những hạn chế nhất định trong thời gian gần đây.
Theo ông Phạm Thanh Trực, việc thực hiện thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp Hiệp Phước sang khu công nghiệp sinh thái - đô thị - cảng biển hướng đến quy mô phát triển lớn nhất thành phố với tổng diện tích cả 3 giai đoạn khu công nghiệp 1.300 ha là do có sự thuận lợi về vị trí, về cơ sở hạ tầng như: nhà máy xử lý nước thải, nhà trẻ, nhà ở cho công nhân, công viên, khuôn viên cây xanh, trạm y tế, trung tâm sinh hoạt công nhân, siêu thị, khu liên hợp thể thao...
Đây cũng là định hướng chung của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030; đề án định hướng phát triển các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến 2030 hướng đến mô hình khu công nghiệp sinh thái dài hạn. Trong đó, có nhiệm vụ phổ biến, nhân rộng các mô hình cộng sinh công nghiệp, mô hình khu, cụm công nghiệp, làng nghề sinh thái bền vững; phát triển mạng lưới liên kết bền vững giữa sản xuất tiểu thủ công nghiệp và sản xuất công nghiệp.
Tương tự, các khu công nghiệp tại thành phố còn lại, nhất là những khu công nghiệp đang hình thành đều có thế mạnh để có thể áp dụng các bộ tiêu chí đặt ra trong việc hình thành một khu công nghiệp sạch, sinh thái, nhằm đem lại lợi ích môi trường, kinh tế cho doanh nghiệp và khu công nghiệp.
“Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự thống nhất quyết tâm từ các doanh nghiệp, Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp, sự ủng hộ chính sách từ nhà nước; sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan chức năng triển khai cùng lúc nhiều giải pháp đồng bộ trong việc thực thi các hoạt động có liên quan để xây dựng thêm nhiều khu công nghiệp sinh thái trong tương lai, phù hợp với định hướng bát phát triển chung của thành phố và cả nước”, ông Phạm Thanh Trực nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Trâm Anh, chuyên gia Ban quản lý dự thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chia sẻ những hạn chế trong phát triển các khu công nghiệp hiện nay như: thiếu tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong khu; sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên; năng lượng và nước không được bảo đảm; ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh khu công nghiệp; giảm sức cạnh tranh… đồng thời khẳng định, xu hướng chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái là tất yếu.
Theo bà Nguyễn Trâm Anh, sinh thái công nghiệp quan niệm hoạt động công nghiệp là một hệ sinh thái do con người tạo ra nhưng vận động như một hệ sinh thái tự nhiên; trong đó, chất thải hay phụ phẩm của hoạt động này được sử dụng là nguyên liệu đầu vào của hoạt động khác. Hệ sinh thái công nghiệp chuyển đổi từ quy trình công nghiệp tuyến tính sang quy trình công nghiệp tuần hoàn tương tự như hệ sinh thái tự nhiên.
“Do vậy, khi hình thành khu công nghiệp sinh thái sẽ làm giảm sử dụng nguyên vật liệu, nước và năng lượng và hóa chất độc hại; giảm thiểu phát thải khí nhà kính, các chất thảy hữu cơ khó phân hũy; các rủi ro kinh tế, môi trường và xã hội... Ngược lại, khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp cải thiện năng năng lực cạnh tranh và lợi nhuận; chia sẻ các tiện ích trong khu công nghiệp, nguyên vật liệu sản xuất, tiếp cận công nghệ mới và cơ chế hỗ trợ tài chính xanh; cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động; tăng chất lượng sống cho cộng đồng. Cùng đó, thực hiện mục tiêu quản lý nhà nước các hoạt động công nghiệp và khu công nghiệp theo hướng bền vững, thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường”, bà Nguyễn Trâm Anh chia sẻ.
Tham gia hội thảo, ông Đinh Mạnh Thắng, chuyên gia cấp cao về sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng cũng chia sẻ về cộng sinh công nghiệp và cho đây là điều cần thiết đối với một khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp sinh thái. Bởi sự liên kết giữa các cơ sở công nghiệp hoặc công ty mà trong đó chất thảy hoặc phụ phẩm của cơ sở này trở thành nguyên liệu cho cơ sở khác.
Theo ông Đinh Mạnh Thắng, các loại hình cộng sinh hiện nay là cộng sinh tiện ích và chia sẻ hạ tầng; cộng sinh nguồn cung và sắp đặt cùng vị trí các nhà cung ứng và khách hàng; cộng sinh dịch vụ, phụ phẩm và trao đổi chất thảy; cộng sinh công nghiệp - đô thị...
Ông Đinh Mạnh Thắng khẳng định: cộng sinh công nghiệp không chỉ thúc đẩy tăng lợi nhuận, khả năng cạnh tranh cao hơn, tiết kiệm chi phí, thị phần lớn hơn mà còn tăng cường hồ sơ môi trường, báo cáo tính bề vững, giảm rủi ro môi trường, phục thuộc vào tài nguyên. Đồng thời, giảm áp lực của các bên liên quan (cộng đồng địa phương), tạo thêm nhiều cơ hội, việc làm, cải thiện danh tiếng…
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về những lợi ích của khu công nghiệp sinh thái; mô hình khu công nghiệp sinh thái theo khuôn khổ quốc tế; quản lý khu công nghiệp sinh thái và các dịch vụ cho các doanh nghiệp. Các phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện, thực hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; lập kế hoạch hoạt động của sự án và các bước hỗ trợ tiếp theo của dự án với các doanh nghiệp và các bên liên quan tại khu công nghiệp Hiệp Phước….