Không cần đến tận nơi giao dịch, lãi suất gửi tiền cao hơn những khách hàng thông thường khác, đồng thời không bị mất phí khi giao dịch là những gì khách VIP được ưu đãi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia lĩnh vực kinh tế - tài chính, đây cũng chính là kẻ hở dễ bị cán bộ ngân hàng lợi dụng chiếm đoạt tiền.
Dù là khách VIP, nên giao dịch tại quầy để tránh rủi ro mất tiền tỷ. |
Mới nhất là trường hợp ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của bà Bình - khách hàng VIP. Vì vị khách VIP này thường không đến quầy ngân hàng để giao dịch nhưng lại ủy quyền cho các cán bộ là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch của ngân hàng thay thế thực hiện toàn bộ giao dịch gửi, rút tiền...
Trong khi đó, hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc các ngân hàng có phần lơ là trong việc giám sát, phòng chống rủi ro trong giao dịch tiền gửi, từ đó một số cán bộ ngân hàng lợi dụng kẽ hở này cùng với sự tin cậy của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Thực tế cho thấy, ngoài vụ ông Lê Nguyễn Hưng của Eximbank thì vụ án Huỳnh Thị Huyền Như của VietinBank lừa hàng nghìn tỷ đồng cũng là một điển hình.
Theo chuyên gia kinh tế LS.TS Bùi Quang Tín, thành viên Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, bên cạnh những kẻ hở này thì cũng có phần lỗi do chủ quan của khách hàng VIP khi "giao phó" toàn bộ tài sản của mình cho cán bộ ngân hàng hoặc cứ ký khống giấy tờ.
Lẽ ra, theo quy trình giao dịch tại nhà, thường từ 2 đến 3 nhân viên ngân hàng trở lên. Tuy nhiên trong quá trình giao dịch, bà Bình không muốn tiếp xúc với người khác ngoài ông Hưng nên khi nhân viên ngân hàng có liên hệ, bà Bình đã trả lời bận. Đây là kẽ hở để ông Hưng lợi dụng chiếm đoạt tiền.
Chính vì vậy, chuyên gia Tín khuyến nghị tuyệt đối không nên ký sẵn chứng từ trống. Theo đó, khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào thì khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng.
Bởi với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau, thậm chí tin nhắn rút tiền cũng không được gửi đến số điện thoại mà khách hàng đã ký, vì có thể đã có sự thông đồng tại các bộ phận khác nhau.
Ngoài ra, phải kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kì. Việc kiểm tra nên thực hiện hàng tuần, hàng tháng nhằm phòng trường hợp nếu bị mất tiền thì khách hàng có thể nhanh chóng báo ngay với ngân hàng hay cơ quan chức năng để có biện pháp khẩn cấp phối hợp giải quyết.
Nếu không chú ý việc này, khách hàng khó có thể thu hồi được số tiền của mình. Bởi lúc đó, cơ quan chức năng và ngân hàng phải tốn nhiều thời gian trong việc điều tra, truy tố, xét xử, kể cả thi hành án cũng rất nhiêu khê, đặc biệt là khi người lấy cắp tiền không còn tiền để trả lại cho khách hàng.
"Dù là khách hàng VIP cũng không nên chủ quan, tin tưởng tuyệt đối vào một cán bộ ngân hàng nào để tránh rủi ro. Rủi ro lớn nhất vẫn là con người, mà con người thì khó kiểm soát nhất dù có hàng loạt quy định văn bản", chuyên gia Tín chia sẻ thêm.