Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi - Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.
Theo báo cáo mới nhất Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng năm 2023 của cả nước tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn trong nước đạt trên 43%, vốn nước ngoài đạt 25,95%. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đang vào guồng, ông đánh giá sao về tiến độ này?
Tốc độ giải ngân đầu tư công tăng nhanh trong những tháng qua là tín hiệu tích cực dù áp lực trong các tháng còn lại là rất lớn. Tuy nhiên vẫn có nhiều kỳ vọng về việc các địa phương, bộ, ngành đang tăng tốc để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn Thủ tướng giao.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong tháng qua vẫn chưa phải là cao do số vốn đầu tư công năm nay rất lớn, ngoài nguồn vốn đầu tư nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn các năm trước chưa giải ngân hết chuyển sang còn có nguồn vốn rất lớn được bổ sung từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Chưa bao giờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lại có những giải pháp quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công như năm nay.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, kho bạc nhà nước (KBNN) đã chỉ đạo các đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm nghiêm chỉnh, chấp hành nhiệm vụ kiểm soát chi. Cụ thể, các đơn vị phải giải quyết ngay hồ sơ, không để tồn đọng. Đặc biệt, KBNN các địa phương đã hỗ trợ chủ đầu tư tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 150.000 chứng từ được xử lý, những ngày cuối năm số chứng từ có thể lên đến 350.000 - 400.000 chứng từ nhưng đều được xử lý đúng hạn và thể hiện minh bạch trên hệ thống.
Thưa ông, đầu tư công được ví là "cỗ xe tam mã" trong hoạt động phục hồi và tăng trưởng kinh nên các bộ, ngành địa phương cần thực nghiệm các giải pháp mà Thủ tướng đã chỉ đạo?
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, Thủ tướng giao hai bộ phải phối hợp để theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương, hằng tháng kịp thời báo cáo Thủ tướng để ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, sát với tình hình thực tiễn.
Kết quả giải ngân hằng tháng của từng bộ, ngành, địa phương sẽ được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng vì đây là căn cứ quan trọng để đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023 của tập thể, cá nhân.
Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo KBNN kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán; chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; phối hợp với nhà tài trợ, cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ.
Thời gian giải ngân vốn đầu tư công năm nay vẫn còn dài (tới ngày 31/1/2024 kết thúc). Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện749/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023 yêu cầu các cấp, các ngành quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành, địa phương.
Do vậy, lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương phải quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công do chủ tịch UBND cấp tỉnh làm tổ trưởng.
Dự kiến 31/1/2024 mới biết được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công có hoàn thành hay không? nhưng hiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 39% kế hoạch, trong khi huy động trái phiếu chính phủ (TPCP) đã đạt trên 57% kế hoạch, liệu có dẫn đến sự lãng phí không, thưa ông?
Theo quy định, toàn bộ tiền đi vay để dành cho đầu tư phát triển (đầu tư công).
Năm nay, theo kế hoạch, KBNN được giao nhiệm vụ huy động 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho đầu tư phát triển, tức là để bù đắp bội chi đã được Quốc hội quyết định và thanh toán tiền gốc trái phiếu đến hạn.
Trong 8 tháng qua, KBNN huy động được tổng cộng 230.511 tỷ đồng, đạt 57,63% kế hoạch phát hành của năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được 4.450 tỷ đồng, đạt 18,27% kế hoạch phát hành của năm 2023. Như vậy, số tiền này vừa đủ để trả nợ gốc TPCP đến hạn và bù đắp bội chi, không hề có sự lãng phí.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bám sát chủ đầu tư để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
KBNN vừa có công văn gửi các đơn vị kho bạc trực thuộc và Sở Giao dịch KBNN yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân những tháng cuối năm. Theo đó, yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trong việc đẩy mạnh giao dịch thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của KBNN và kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án.
Cùng với đó, bám sát các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền.
Để nâng cao công tác kiểm soát chi, đưa nguồn vốn ngân sách kịp thời đến với các đối tượng thụ hưởng từ nay đến cuối năm, KBNN đã giao Vụ Kiểm soát chi tiếp tục phối hợp với Cục Công nghệ thông tin nâng cấp dịch vụ công trực tuyến đáp ứng các yêu cầu sửa đổi Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và số hóa các tiện ích phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách và KBNN.