Tuy nhiên, tỉnh có 4 dự án đầu tư trọng điểm do Sở Giao thông Vận tải và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai vì nhiều vướng mắc khách quan. Vì vậy, các chủ đầu tư mong muốn các dự án sớm được gỡ vướng, nếu không muốn rơi vào tình trạng buộc phải trả vốn cho Trung ương.
Vướng chồng vướng
4 dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh Kon Tum đang gặp nhiều vướng mắc hiện nay gồm: dự án Xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Tỉnh lộ 671) đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly huyện Sa Thầy; dự án Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 - Km52; dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum và dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông ĐăkBla trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Đến hết quý I/2024, chỉ có dự án xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Tỉnh lộ 671) đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly huyện Sa Thầy giải ngân được 252 triệu đồng trong tổng số 65 tỷ đồng nguồn vốn năm 2024, ba dự án còn lại vẫn “án binh bất động”.
Ông Đàm Phúc Tuyên, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công của hai dự án Xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Tỉnh lộ 671) đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly huyện Sa Thầy và dự án Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 - Km52 là do Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum chưa ban hành giá đất cụ thể. Chính vì vậy, đơn vị không thể tiến hành đo đạc, xác định giá bồi thường để giải phóng mặt bằng theo quy định.
“Dự án Xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Tỉnh lộ 671) đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly huyện Sa Thầy đã giải ngân được hơn 250 triệu là do cuối năm 2023, huyện Sa Thầy đã ban hành giá đất cụ thể, nên chúng tôi đã triển khai được các bước tiếp theo và yêu cầu đơn vị thi công thực hiện dự án. Còn phần dự án phía bên thành phố Kon Tum, chúng tôi không thể thực hiện vì chưa có giá đất, chưa có mặt bằng”, ông Đàm Phúc Tuyên phân tích.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, một số vướng mắc khác cũng khiến hai dự án do Sở làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ giải ngân là khó khăn trong công tác xác minh nguồn gốc đất; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cảu người dân thuộc diện đền bù không trùng khớp với hiện trạng sử dụng đất và thư mục số bản đồ địa chính của Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Kon Tum cung cấp;…
Hai dự án trọng điểm còn lại là dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum và dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông ĐăkBla trên địa bàn thành phố Kon Tum do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư. Cả hai dự án này thuộc trường hợp dự án được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2023 nên không được bố trí vốn kế hoạch trong năm 2024.
Tuy nhiên, do những vướng mắc trong quá trình giải ngân năm 2023, hiện nay hai dự án này chưa hoàn thành và cũng không thể thực hiện vì đang chờ cấp có thẩm quyền cho ý kiến về việc kéo dài nguồn vốn năm 2023 sang năm 2024, với tổng số vốn gần 560 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum, nguyên nhân dẫn đến nguồn vốn phải chuyển từ năm 2023 sang năm 2024 lớn là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây là nguyên nhân chính và chủ yếu dẫn đến việc vướng mặt bằng không thể bàn giao cho đơn vị thi công thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp vật liệu thông thường, nhất là vật liệu đất đắp không đủ cũng khiến cả hai dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
UBND tỉnh Kon Tum cũng nhận định: Các dự án trên địa bàn tỉnh chủ yếu vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Giá bồi thường về đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu thấp dẫn đến người dân hay kiến nghị và không đồng ý với phương án bồi thường được phê duyệt. Một số dự án có diện tích thu hồi đất lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân đặc biệt là người dân tộc thiểu số nhưng không có xây dựng khu tái định cư và quỹ đất tái canh phục vụ nhu cầu về đất tái định cư, tái định canh cho các hộ bị thu hồi hết đất ở, nhà ở.
Bên cạnh đó, hầu hết các dự án đang triển khai đều thiếu nguồn vật liệu đất đắp, lý do trình tự thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp theo Luật Khoáng sản năm 2010 mất rất nhiều thủ tục, thời gian. Trong khi tiến độ thi công công trình từ 1-2 năm, do vậy các công trình khi thi công đều khan hiếm về đất đắp.
Sớm khắc phục
Liên quan đến vấn đề ban hành giá đất, cuối tháng 5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có quyết định 245/QĐ-UBND về việc ủy quyền UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh quyết định giá đất cụ thể của từng địa phương. Việc định giá đất phục vụ cho việc tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum vẫn chưa công bố giá đất cụ thể trên địa bàn thành phố. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Kon Tum, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm định giá đất là do thành phố cần nhiều thời gian xin ý kiến của Bộ Tài chính về việc xác định được nguồn vốn để thuê tư vấn xác định giá đất cụ thể.
Bên cạnh đó, trong quá trình định giá đất còn gặp một số khó khăn như Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố quyết định giá đất cụ thể nhưng tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố không được bổ sung biên chế có bằng cấp phù hợp với lĩnh vực tài chính giá đất. Do đó, những công chức hiện tại làm việc tại Phòng Tài chính – Kế hoạch và Phòng Tài nguyên và Môi trường được giao thêm nhiệm vụ tham mưu xác định giá đất và tham mưu thẩm định phương án giá đất nên còn lúng túng. Các quy định của pháp luật về xác định giá đất cụ thể còn mang tính chung chung, khó thực hiện.
“Dự kiến trong tháng 04/2024, sẽ quyết định phê duyệt giá đất cụ thể của một số công trình dự án trọng điểm trên địa bàn như dự án đường Trường Chinh, dự án đường trục chính Tây, dự án Kè chống lũ sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông ĐăkBla…”, ông Nguyễn Văn Hùng thông tin.
Đối với vấn đề đất đắp, ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết, vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có 6 mỏ đất san lấp đấu giá thành công, đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để được cấp phép khai thác với tổng diện tích 66,25ha, tổng trữ lượng đã được phê duyệt là trên 13 triệu m3. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép sử dụng đất bóc tầng phủ tại 10 mỏ đá với khối lượng dự tính cung ứng đất san lấp cho các công trình xây dựng là gần 3,5 triệu m3. Riêng tại thành phố Kon Tum, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp phép cho một đơn vị và có ba đơn vị khác đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp phép, với tổng trữ lượng đất san lấp hơn 4,7 triệu m3.
“Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ đầy đủ theo quy định và nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản để Sở tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép theo quy định. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần phải hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm đưa các mỏ vào hoạt động khai thác, cung cấp, đáp ứng đủ nguồn đất san lập trong xây dựng”, ông Võ Thanh Hải nhấn mạnh.
Riêng đối với hai dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2023 sang năm 2024.