Có được kết quả này theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải là do các nhà máy thủy điện điều tiết nước đúng kế hoạch, hai trạm bơm đã được hạ thấp cao trình lấy nước.
Ông Hải cho biết, công ty đã vận hành tối đa công suất hai trạm bơm dã chiến Trung Hà và Phù Sa. Thực tế mực nước sông Đà lúc 7h sáng nay đạt 4,8m, cao hơn mực nước thiết kế của Trạm bơm dã chiến Trung Hà 2,45m. Còn mực nước sông Hồng đạt 2,33m, cao hơn Trạm bơm dã chiến Phù Sa 1,03m.
Theo Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Phát triển Thủy lợi sông Đáy, tận dụng tối đa nguồn nước điều tiết, đơn vị đã vận hành Trạm bơm Đan Hoài thay thế Trạm bơm dã chiến Bá Giang...
Thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã vận hành 54 trạm bơm, 158 tổ máy với tổng lưu lượng 268.000 m3/giờ. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương nhiều trạm bơm vẫn chưa thể hoạt động trong điều kiện nguồn nước hạn chế, như: cống Cẩm Đình, trạm bơm Liên Mạc, trạm bơm Ấp Bắc (Hà Nội).
Để sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết từ hồ thủy điện, ông Đào Quang Khải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi thành phố tiếp tục vận hành tối đa công trình lấy nước để thau rửa hệ thống, bơm trữ nước vào các kênh tiêu, ao hồ đầm, vùng trũng và đưa nước lên ruộng để phục vụ làm đất, gieo cấy ngay trong đợt 1 (từ 0h ngày 23/1 đến 24h ngày 30/1).
Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi vận hành hồ đúng quy trình, thời vụ, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước phục vụ sản xuất. UBND các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, vận động nhân dân tranh thủ tối đa lấy nước, đưa nước đến đâu, làm đất giữ nước đến đó, không để thất thoát, lãng phí nguồn nước.