Khi vốn bảo trì đường bộ vẫn 'giật gấu vá vai'

Mặc dù Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động được gần một năm nhưng theo báo cáo của Tổng cục đường bộ Việt Nam, nguồn vốn cấp cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ vẫn còn thiếu hụt so với nhu cầu.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cả nước hiện tại có gần 18.000 km chiều dài quốc lộ, trong đó có hơn 3.400 km đã khai thác trên 12 năm, hơn 9.700 km đã khai thác trên 8 năm và đã quá thời hạn phải sửa chữa lớn. Gần 2.600 km khai thác từ 4 - 8 năm đã đến hạn sửa chữa vừa. Trong 3 năm gần đây mới chỉ có trên 1.200 km được sửa chữa lớn và gần 2.600 km được sửa chữa vừa. Như vậy, có thể nói, hệ thống quốc lộ cả nước đã qua nhiều năm khai thác cộng với tốc độ gia tăng mạnh phương tiện vận tải, nên mức độ sửa chữa, bảo trì hệ thống đường bộ của cả nước là rất lớn.

Công tác sửa chữa, bảo trì đường bộ mới chỉ đáp ứng được từ 30 - 40% nhu cầu thực tế. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, theo tính toán mỗi năm, nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ cần khoảng trên 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2013, nguồn vốn dành cho lĩnh vực này chỉ có hơn 4.000 tỷ đồng, năm 2014 dự tính số vốn này có thể thấp hơn năm nay. Với nguồn vốn hạn hẹp như vậy, công tác sửa chữa, bảo trì đường bộ mới chỉ đáp ứng được từ 30 - 40% nhu cầu thực tế. Do đó, rất khó khăn để cân đối phân bổ cho công tác quản lý bảo trì đường bộ.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhờ có quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động mà nhiều tuyến quốc lộ đã được sửa chữa, nâng cấp kịp thời, qua đó phục vụ hiệu quả nhu cầu vận tải của đất nước.

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Tổng Giám đốc Khu quản lý Đường bộ II (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, hiện cơ quan đang quản lý 19 tuyến quốc lộ từ Thanh Hóa trở ra. Mặc dù đã cố gắng phân bổ nguồn vốn sửa chữa đường bộ hàng năm cho hợp lý theo thứ tự ưu tiên: bảo dưỡng thường xuyên, xử lý các điểm đen tai nạn giao thông, sửa chữa, bổ sung hệ thống an toàn giao thông .., nhưng Khu quản lý đường bộ II vẫn phải “ăn đong”, huy động vốn để bảo trì những đoạn quốc lộ đã quá xuống cấp, có thể gây mất an toàn giao thông. Phần lớn kinh phí cho công tác sửa chữa đường bộ hàng năm phải ưu tiên vào các dự án trọng điểm nên tình trạng “đói vốn” đối với công tác bảo trì đường bộ vẫn dai dẳng.

Mở rộng ra, tình trạng “đói vốn” cũng thể hiện rõ trong bảo trì các tuyến đường địa phương. Tuy nguồn vốn này phụ thuộc vào khả năng ngân sách của từng địa phương, song theo ghi nhận, nhiều địa phương cấp kinh phí cho hoạt động này còn thấp hơn tỷ lệ trên, chỉ đạt khoảng 20 - 30%.

Ông Nguyễn Đức Thắng nhận xét, nhiều năm qua, nhận thức về đầu tư cho bảo trì hệ thống đường bộ vẫn chưa đầy đủ ngay cả các cấp quản lý nhà nước, khiến bảo trì không được coi trọng và đầu tư rất thấp. Mặc dù, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ưu tiên bố trí cơ cấu vốn cho bảo dưỡng thường xuyên. Song ngay ưu tiên này cũng chưa bao giờ đáp ứng được 50% nhu cầu thực tế.

Từ thực trạng trên có thể nói, trong khi vốn cho đầu tư xây dựng bị hạn chế, thì quan điểm bố trí đủ vốn cho quản lý bảo trì để giữ gìn chất lượng đường sá là chủ trương hợp lý. Vì theo tính toán, nếu chi 1 đồng cho bảo trì để bảo đảm đường luôn tốt, an toàn, sẽ tiết kiệm được 3 đồng cho khai thác vận tải do tiết kiệm nhiên liệu, giảm hao mòn xe, nâng cao năng suất phương tiện, giảm thời gian đi lại. Trong trường hợp chi thiếu 1 đồng cho bảo trì bao gồm cả bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ sẽ phải chi 4 đồng cho đầu tư khôi phục, xây dựng lại công trình.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, để đảm bảo tính hiệu quả sử dụng nguồn vốn từ việc thu phí bảo trì đường bộ, việc bảo dưỡng thường xuyên sẽ được thực hiện theo phương thức đặt hàng và đấu thầu qua hình thức hợp đồng nhằm kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Công tác sửa chữa định kỳ tuân thủ chặt chẽ các trình tự, thủ tục về đầu tư tương tự công trình xây dựng cơ bản. Các khu quản lý đường bộ, các sở Giao thông vận tải sớm rà soát các tuyến quốc lộ đang quản lý, đề xuất những tuyến, đoạn tuyến để thực hiện đấu thầu công tác bảo trì thường xuyên thời gian 3 năm từ 2014 - 2017 để Tổng cục Đường bộ Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải.

Đã từng có chuyên gia “ví von” việc bảo trì, sửa chữa đường giống như việc chúng ta khám sức khỏe định kỳ, để thấy việc bảo trì hệ thống quan trọng đến mức nào. Hệ thống nào cũng cần bảo trì và bảo trì phù hợp làm cho hệ thống phát huy đúng chức năng như đảm bảo tuổi thọ, chất lượng và hiệu quả sử dụng. Ngược lại, bảo trì không tốt là cách sử dụng rất lãng phí, có lẽ lãng phí nhất.

Ông Nguyễn Đức Thắng, cho biết: Tổng cục đang gấp rút hoàn tất hồ sơ để mời các nhà thầu tham gia bảo dưỡng 6 quốc lộ trong tổng số 11 quốc lộ sẽ triển khai đấu thầu trong năm nay. Năm 2014 sẽ đấu thầu 30% quốc lộ và 2015 sẽ đấu thầu 100% quốc lộ hiện có.


Quang Toàn

Sử dụng hiệu quả Quỹ bảo trì đường bộ
Sử dụng hiệu quả Quỹ bảo trì đường bộ

Năm 2013, Quỹ bảo trì đường bộ dự kiến thu được hơn 4.380 tỷ đồng, tăng cao hơn so với năm 2012. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn Chính phủ bố trí cho công tác bảo trì đường bộ mới đáp ứng được từ 30 - 40% nhu cầu bảo trì hệ thống quốc lộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN