Ông đánh giá như thế nào về bản lĩnh doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh tập trung phục hồi kinh tế, sản xuất hậu COVID-19, thưa ông?
Chúng ta đã vượt qua 2 năm dịch COVID-19 vô cùng khó khăn. Trong giai đoạn hội nhập và phục hồi, các doanh nghiệp đang vươn lên rất mạnh mẽ. Trong khi đó, các cơ hội mở ra như tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy trong COVID-19, đó là cơ hội cho chúng ta. Chúng ta cũng thấy sự tăng trưởng vượt bậc của xuất khẩu Việt Nam trong giai đoạn vừa rồi và quý 3 GDP Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trên 13%. Những kết quả đó đều có sự nỗ lực của các doanh nghiệp, người lao động, thể hiện sự sáng tạo và nhanh nhạy của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong hội nhập, xuất hiện các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đầu tư, thậm chí mua lại doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng thị trường, tạo chỗ đứng. Tại Mỹ, Nhật, Pháp… đều đã xuất hiện doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, cũng xuất hiện doanh nghiệp Việt mua lại doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, ngay trong chính trong giai đoạn dịch COVID-19.
Trước những biến động về giá cả hàng hoá, đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn hàng giảm sút, sự ứng biến của doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện như thế nào, thưa ông?
Trong phục hồi sau COVID-19, đặc biệt là đứt gãy chuỗi cung ứng, thì Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã kịp thời có chiến lược từ Zero COVID-19 thành thích ứng linh hoạt và chúng ta bảo toàn được nguồn lực của doanh nghiệp và nhờ đó sự đứt gãy của chúng ta ít hơn các nước và đang phục hồi rất tốt.
Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam rất nhanh nhạy, không ngồi đợi hỗ trợ, mà chủ động khắc phục, phần lớn các ngành sản xuất trong nước đã phục hồi chuỗi cung ứng.
Để đạt mục tiêu đến 2025-2030 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập trung bình và năm 2045 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao, doanh nghiệp còn phải nỗ lực rất nhiều và nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt cần tạo điều kiện, đảm bảo về vốn kinh doanh cho doanh nghiệp.
Vừa rồi chúng ta có chính sách hỗ trợ về lãi vay nhưng triển khai rất chậm. Bây giờ phải kịp thời khắc phục, cùng với đó, việc khống chế lạm phát, đảm bảo tỷ giá, đưa ra quyết sách hay phê duyệt dự án cần đảm bảo có tốc độ tương ứng để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội kịp thời.
Cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ông đánh giá vai trò "bà đỡ", sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, cơ quan quản lý đối với cộng đồng doanh nhân thời gian qua như thế nào?
Trong mỗi sự thành công của đội ngũ doanh nhân, bên cạnh trí tuệ và bản lĩnh cá nhân, không thể không nói đến vai trò “bà đỡ” của Chính phủ, sự song hành của các bộ, ban, ngành, địa phương. Các chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện về đất đai, thủ tục pháp lý, ân hạn, gia hạn thuế, cải cách thủ tục hành chính, tuyển dụng lao động… đã giúp doanh nghiệp “rộng cửa” để sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, nhiều hàng hóa công nghệ cao chưa tự sản xuất được mà chủ yếu nhập khẩu. Nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản đối với doanh nghiệp, doanh nhân. Đảng tại Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) đã nêu rõ tinh thần chỉ đạo: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…”.
Vì vậy, thời gian tới VCCI sẽ tập triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, trong đó, chú trọng 3 giải pháp đột phá gồm Cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận doanh thuận lợi để phát triển; Xây dựng đạo đức văn hóa kinh doanh, tạo ra sự phát triển vững; thúc đẩy chuyển đổi số giúp tăng trưởng bứt phá.
Tôi thường ví môi trường kinh doanh là nước, doanh nghiệp là cá. Nước có tốt, cá mới nhiều và lớn nhanh được. Ngược lại, nước không tốt, cá bỏ đi, thậm chí không sống được. Chính vì vậy, cải thiện môi trường kinh doanh chiến lược hàng đầu và nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Rất mừng trong thời gian gần đây, việc này đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm.
Vào dịp 13/10/2021, lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến VCCI gặp gỡ doanh nghiệp đã khẳng định quy trình làm luật thông qua của Quốc hội sẽ thay đổi. Cụ thể, trước đây lấy ý kiến vòng 1 về tiếp thu xong đưa ra phiên bản mới và Quốc hội thông qua. Nhiều khi không biết ý kiến của doanh nghiệp có được tiếp thu hay không. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu những luật về kinh tế trước khi vào vòng 2 vẫn phải qua VCCI để lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía Chính phủ, các chính sách để thực hiện các nghị quyết của Quốc hội hay là các chủ trương của Đảng đang được Chính phủ cùng các bộ ngành tích cực lấy ý kiến doanh nghiệp. Cơ chế định kỳ là mỗi tháng, VCCI sẽ có văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đọc rất kỹ, có những tháng văn bản gửi lại có rất nhiều ý kiến của Thủ tướng. Điều này cho thấy, các ý kiến của doanh đã đến được Chính phủ.
Tại cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp trước khi có Nghị quyết 128, doanh nghiệp báo cáo lên là tình hình rất cẳng thẳng và chống dịch phải lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể. Sau đó 2-3 tuần, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 chuyển sang trạng thái linh hoạt. Lúc đó, nếu Nghị quyết 128 không ban hành thì không biết năm nay kinh tế Việt Nam như thế nào, thêm bao nhiêu doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường. Đó là sự cầu thị tiếp thu rất nhanh, rất kịp thời và nghe tiếng nói của doanh nghiệp từ Chính phủ.
Ngoài ra, Chính phủ đã đưa ra dự thảo Nghị quyết thay Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp, trong đó có nhiều ý kiến của VCCI được đưa vào, tạo điều kiện thuận lợi và cải thiện môi trường kinh doanh thực chất cho doanh nghiệp. Phải ghi nhận một điều, Quốc hội, Chính phủ đã cầu thị, lắng nghe và coi trọng ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua. Với cách như vậy, tôi tin rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục được tốt hơn.
Xin ông cho biết, thời gian tới, VCCI có kế hoạch như thế nào để nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam?
Với tầm nhìn và đòi hỏi, yêu cầu và khát vọng phát triển đất nước, VCCI cũng nhìn nhận phải phát triển đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam tương xứng. Bởi chính đội ngũ doanh nhân là những người tổ chức lực lượng sản xuất trong các đơn vị, doanh nghiệp làm ra sản phẩm cho xã hội.
Muốn trở thành một quốc gia phát triển thì đội ngũ doanh nhân phải tiên phong về sự văn minh. VCCI xác định nhiệm vụ chiến lược và cấp bách là xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Các doanh nhân Việt Nam phát triển theo định hướng là người vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc, đó là nguyên tắc lớn trong định hình và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Cần có chính sách thúc đẩy, động viên, khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp đi theo con đường kinh doanh, phát triển bền vững, lấy đạo đức văn hoá kinh doanh làm gốc, lấy khoa học công nghệ hiện đại làm năng lực cạnh tranh, để từ đó khẳng định mình và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.
Từ đó, VCCI nhận thấy càng phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh. Vì thế, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII tháng 12/2021 với tầm nhìn xây dựng "Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng", chúng tôi đã đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược, trong đó tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Tháng 5/2022, VCCI đã công bố và phát động thực hiện sáu quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Đây cũng là sáu cánh sao trên tấm huy hiệu đúc bằng vàng, là biểu trưng của danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Các quy tắc này được xây dựng dựa trên các giá trị truyền thống của dân tộc, kết hợp với các chuẩn mực đạo đức kinh doanh của giới doanh nhân quốc tế.
Chúng tôi tin tưởng rằng việc thực hiện bộ quy tắc này sẽ củng cố niềm tin, tăng sự tín nhiệm của xã hội, của thị trường đối với doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó uy tín, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam đều nâng cao, đây chính là nguồn sức mạnh mềm trong hội nhập. Với 200.000 doanh nghiệp hội viên, gần 200 hiệp hội doanh nghiệp thành viên, VCCI tin rằng đây sẽ là cơ sở quan trọng để quy tắc đạo đức đi vào cuộc sống.
Trân trọng cảm ơn ông!