Khát vọng nâng tầm thương hiệu cà phê Ê Đê

Với khát vọng phát triển các dòng cà phê vừa đạt chất lượng cao vừa mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Ê đê trên Cao nguyên Đắk Lắk, anh Y Pôt Niê (1988) - người con của buôn K’la, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn xây dựng thương hiệu cà phê Ê Đê.

Anh cố gắng thay đổi cách nghĩ, cách làm cà phê của đồng bào để nâng tầm sản phẩm và phát triển kinh tế bền vững.

Chọn lối đi riêng

Chú thích ảnh
Anh Y Pôt Niê kiểm tra chất lượng hạt cà phê rang xay. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Anh Y Pôt Niê chia sẻ, anh là người con thứ 5 trong gia đình có 8 anh em. Gia đình khó khăn, anh sớm ý thức về việc phải nỗ lực học tập, trau dồi tri thức, vươn lên phát triển. Năm 2015, dù cầm trong tay “tấm bằng” bác sỹ đa khoa và đang công tác ổn định tại Bệnh viện thành phố Buôn Ma Thuột nhưng chàng trai Ê đê Y Pôt Niê vẫn đau đáu về ý tưởng tạo ra một thương hiệu cà phê của người Ê đê, nơi mình sinh ra và lớn lên.

Thay vì duy trì công việc ổn định tại bệnh viện, Y Pôt Niê chọn lối đi riêng bằng cách thành lập công ty sản xuất, chế biến cà phê để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Quyết định từ bỏ công việc bác sỹ chuyển sang sản xuất, kinh doanh cà phê của Y Pôt Niê chính là rời bỏ “bến bờ an toàn” để “căng buồm” ra biển khơi đương đầu sóng to, gió lớn.

Với ý chí vươn lên và tinh thần vượt khó, Y Pôt Niê có thành công ban đầu khi tạo chỗ đứng cho thương hiệu cà phê Ê Đê ở trong và ngoài nước. Câu chuyện làm cà phê của Y Pôt Niê góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con, cùng nhau tiến xa hơn trong phát triển kinh tế ở buôn làng.

Sau thời gian tìm tòi, học hỏi về quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến cà phê theo truyền thống của người Ê đê, tháng 8/2019, Y Pôt Niê quyết định thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ê Đê Café với dòng sản phẩm chủ lực là cà phê rang bếp lửa theo công thức truyền thống của người Ê đê truyền từ nhiều đời nay tại buôn K’la.

Những ngày đầu khởi nghiệp, anh đối mặt nhiều khó khăn về nguồn vốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị… Căn nhà của gia đình được chia thành khu vực sản xuất cà phê bột rang xay theo công thức của đồng bào Ê Đê. Đây cũng là hướng đi khác biệt so với các dòng cà phê đang lưu thông trên thị trường hiện nay khi sản phẩm không chỉ có hương vị riêng biệt mà còn “ẩn chứa” câu chuyện văn hóa truyền thống của người Ê đê ở các buôn làng trên cao nguyên Đắk Lắk.

Chú thích ảnh
Anh Y Pôt Niê giới thiệu về sản phẩm cà phê sầu riêng. 

Sản phẩm cà phê của Y Pôt Niê từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ê Đê Café cho ra đời nhiều dòng sản phẩm cà phê khác nhau và có mặt ở hơn 55 tỉnh, thành phố trong nước cùng các thị trường quốc tế như Hà Lan, Singapore, Malaysia, Mông Cổ…

Đầu năm 2024, Y Pôt Niê đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất của công ty, hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Công ty tạo việc làm ổn định cho hơn 20 nhân công, trong đó, nhiều người là đồng bào Ê đê ngay tại buôn làng.

“Trong quá trình khởi nghiệp, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng với niềm đam mê và động lực to lớn là phát triển cà phê tại chính buôn làng mình, tôi đã không từ bỏ ý tưởng phát triển thương hiệu cà phê của đồng bào Ê đê. Song song với phát triển sản xuất, tôi luôn trau dồi kiến thức, tìm hiểu phương pháp kinh doanh, bồi dưỡng vốn ngoại ngữ để tiếp tục hành trình khởi nghiệp và gặt hái được những thành quả như ngày nay”, anh Y Pôt Niê chia sẻ.

Cùng buôn làng phát triển

Không chỉ thực hiện hoài bão của mình, Y Pôt Niê mang trong mình khát vọng nâng tầm giá trị cà phê ở buôn làng để bà con phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Anh Y Pôt Niê chia sẻ, những năm trước, gia đình và bà con buôn làng làm cà phê đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; canh tác, thu hái, bảo quản cà phê chưa khoa học, bài bản. Do đó, chất lượng cà phê không đảm bảo và khó phát triển bền vững.

Anh quyết tâm thay đổi cách canh tác ngay từ vườn cà phê của gia đình, chuyển dần sang canh tác hữu cơ, thu hoạch cà phê chín trên 95%, chú trọng khâu bảo quản sau thu hái và chế biến… từ đó đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu, cho ra sản phẩm cà phê chất lượng cao, đủ sức chinh phục thị trường và khách hàng khó tính. Đây là hướng đi bền vững, góp phần tăng giá trị của sản phẩm cà phê, anh Y Pôt Niê cho hay.

Thành công trong chuyển đổi canh tác hữu cơ của Y Pôt Niê lan tỏa đến bà con trong buôn. Hiện 50/150 ha cà phê của buôn K’la liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ê Đê Café để canh tác theo hướng hữu cơ.

Chú thích ảnh
Hoạt động sản xuất tại Công ty Ê Đê Café. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Anh Y Pôt Niê chia sẻ, để bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển từ canh tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sang canh tác hữu cơ là quá trình dài và được thuyết phục bằng câu chuyện thực tế của gia đình mình. Bà con chuyển canh tác theo hướng hữu cơ và tuân thủ tiêu chuẩn về chăm sóc cây, thu hái quả, bảo quàn cà phê… liên kết với công ty đều được hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay phát triển sản xuất.

Công ty thu mua cà phê đảm bảo chất lượng cho bà con cao hơn 10% giá thị trường nhằm hướng đồng bào thay đổi phương thức sản xuất theo hướng bền vững và tăng giá trị sản phẩm cà phê, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Chị H Bích Byă, buôn K’la, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana cho biết, trước đây, gia đình cũng như bà con trong buôn canh tác cà phê đều sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Từ khi thấy mô hình canh tác cà phê hữu cơ của anh Y Pôt Niê và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ê Đê Café hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, gia đình chị chuyển 2 sào cà phê chăm sóc theo hướng hữu cơ. Đến nay, nhiều bà con trong buôn chuyển hướng canh tác hữu cơ, vườn cây phát triển ổn định, cho năng suất và giá bán cao hơn. Bà con vui mừng, niên vụ 2023-2024, giá cà phê tăng cao kỷ lục, đời sống đồng bào khấm khá hơn.

Nói về dự định thời gian tới, anh Y Pôt Niê chia sẻ, song song phát triển thương hiệu cà phê của đồng bào Ê đê; đa dạng hóa dòng sản phẩm, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu bản thân anh nỗ lực mở rộng vùng nguyên liệu cà phê hữu cơ tại buôn làng để liên kết nhiều hộ dân trồng cà phê. Từ đó, không ngừng nâng cao chất lượng các dòng sản phẩm cà phê để gia tăng giá trị cây trồng của buôn làng cùng nhau phát triển kinh tế và xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp.

Với nỗ lực và ý chí vươn lên cùng những đóng góp vì sự phát triển của buôn làng, anh Y Pôt Niê được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng Bằng khen Thanh niên dân tộc, tôn giáo tiêu biểu năm 2023… Anh nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp Trung ương, địa phương trao tặng.

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Mục tiêu đến năm 2030, lượng cà phê xuất khẩu chiếm 80-85% tổng sản lượng cà phê cả nước
Mục tiêu đến năm 2030, lượng cà phê xuất khẩu chiếm 80-85% tổng sản lượng cà phê cả nước

Theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích cà phê cả nước đạt khoảng 640-660 nghìn ha; khối lượng cà phê xuất khẩu chiếm 80-85% tổng sản lượng cà phê cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN