Khẳng định giá trị, vị thế thương hiệu Việt

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, xuất khẩu trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn mở rộng thị trường hiệu quả cũng như tạo dựng uy tín cho thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

Hơn nữa, cùng những lợi thế về chính sách quốc gia hỗ trợ xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, Việt Nam đang ở giai đoạn vàng để xuất khẩu trực tuyến bật tăng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định vị thế và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường toàn cầu. 

Chú thích ảnh
Nông dân Kon Tum thu hái cà phê phục vụ chế biến xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu truyền thống sang nhiều nước trên thế giới nhưng phần lớn các sản phẩm xuất khẩu lại ở dạng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm. Đối tác nước ngoài sau khi thu mua sẽ tiến hành chế biến, đóng gói và gắn thương hiệu của họ. Điều này không chỉ làm giảm giá trị gia tăng mà còn làm mất đi cơ hội quảng bá thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.
 
Đơn cử như mặt hàng cà phê Việt Nam là một trong những loại cà phê nổi tiếng thế giới nhưng rất ít người tiêu dùng quốc tế biết rằng đang uống cà phê xuất xứ từ Việt Nam. Phần lớn cà phê xuất khẩu của Việt Nam ở dạng hạt cà phê sống, chưa qua rang xay và đóng gói. Thế nhưng, người tiêu dùng thế giới lại biết đến các thương hiệu cà phê từ các quốc gia như Hoa Kỳ (Starbucks) hoặc Thụy Sĩ (Nestlé), trong khi nguyên liệu lại được nhập khẩu từ Việt Nam. 
 
Tương tự, với truyền thống lâu đời trong sản xuất đồ gốm sứ và là một trong những nước xuất khẩu đồ gốm sứ lớn trên thế giới nhưng phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ở dạng phôi gốm, chưa qua trang trí, vẽ men và nung…. Nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc châu Âu và sau đó được bán dưới tên thương hiệu của các nước này mà người tiêu dùng quốc tế thường không biết rằng những sản phẩm mua từ Việt Nam.
 
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tại các nền tảng thương mại điện tử nhiều sản phẩm như hạt điều, tiêu đen và các loại gia vị khác từ Việt Nam được bán dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu nước ngoài. Có lẽ điều này đã khiến người tiêu dùng quốc tế không hề biết rằng sản phẩm đang sử dụng có nguồn gốc từ Việt Nam. Vì vậy, thương hiệu Việt cũng vì thế mà mất đi cơ hội quảng bá cũng như gia tăng giá trị từ nguồn gốc xuất xứ.
 
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: Thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao; trong đó, thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến tăng trưởng với mức tăng khoảng từ 16 - 30% trong 4 - 5 năm vừa qua và cũng là một trong những tốc độ tăng trưởng hàng đầu của thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện nay đứng thứ 3 sau Indonesia và Thái Lan về giá trị bán lẻ trực tuyến thông qua các nền tảng giải pháp.
 
Dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Zion Market Research cho thấy, từ năm 2020 - 2027, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu sẽ đạt hơn 28%/năm. Tại Việt Nam, trong 5 năm qua, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng lên nhanh chóng; trong đó, xuất khẩu trực tuyến giúp mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.
 
Là một trong những doanh nghiệp kinh doanh nông sản hữu cơ, Công ty Organic Viet Food (OVF) đã quyết định đưa sản phẩm hạt điều lên sàn thương mại điện tử để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Xác định làm chuẩn ngay từ đầu, sản phẩm hạt điều Bình Phước đã được OVF xây dựng thương hiệu Newbam với bao bì, mẫu mã, đóng gói… đúng chuẩn để xuất khẩu. 
 
Ngoài ra, OVF đã đăng ký kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Amazon, đồng thời kiên trì học hỏi và đáp ứng đúng các tiêu chí do Amazon hướng dẫn. Nhờ vậy, sản phẩm hạt điều Newbam đã nhanh chóng được lên kệ của Amazon. Hiện tại, hạt điều Newbam đã xuất khẩu khá đều đặn sang thị trường Hoa Kỳ và Canada.

Chú thích ảnh
Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê. Ảnh: TTXVN

 
Theo ông Vũ Hoàng - Công ty cổ phần Aneco thuộc Tập đoàn An Phát Holdings, từ thời điểm bắt đầu, công ty đã xác định đây là kênh bán lẻ cạnh tranh và xây dựng thương hiệu là chìa khoá để có thể đi được hành trình dài.

Với xuất phát điểm là nhà sản xuất và xuất khẩu (B2B) nên cách tiếp cận ngay từ đầu của Aneco đã không có nhiều lựa chọn và bắt buộc phải bán sản phẩm công ty sản xuất. Vì vậy, đứng trước việc vừa phải bán hàng vừa buộc phải chiếm lĩnh thị trường, cách duy nhất là công ty xây dựng thương hiệu Made in Vietnam và nâng cao chất lượng sản phẩm. 
 
Câu chuyện thành công của Indochina và Aneco không phải hiếm đối với sản phẩm Việt Nam trên hành trình xuất khẩu trực tuyến. Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các FTA, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến là giải pháp hữu hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng tệp khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường. Cùng đó, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ, đưa thương hiệu Việt đến gần người tiêu dùng trên thế giới.
 
Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam cho hay, hàng hóa của Việt Nam ngày càng được thị trường quốc tế đánh giá cao không chỉ vì yếu tố giá cả mà còn là thiết kế, mẫu mã và chất lượng. Đây là yếu tố rất quan trọng để hàng Việt Nam tận dụng được cơ hội vươn xa ra thế giới.
 
Để hỗ trợ đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường quốc tế, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới và đối tác có nguồn lực, giải pháp kỹ thuật cũng như quy trình vận hành triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử - Go Export. 
 
Đây là một trong những giải pháp thiết thực khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, lên kế hoạch các chương trình khuyến mãi trên môi trường trực tuyến và tìm hiểu nhu cầu thị trường bài bản và dài hạn. 
 
Bởi, việc tận dụng công nghệ số và thương mại điện tử xuyên biên giới để khai thác tiềm năng xuất khẩu toàn cầu đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, góp phần đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường quốc tế.

Uyên Hương (TTXVN)
7 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo tăng hơn 25%
7 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo tăng hơn 25%

Theo Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo, tương đương 3,27 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 25,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2024 đạt trên 5 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN