Theo đó, sẽ cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020; cho phép chủ đầu tư của các dự án cấp bách của ngành giao thông khi thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng không điều chỉnh, phê duyệt lại dự toán gói thầu đối với các gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước ngày 15/2/2020.
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về ngân sách, đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư rà soát, kiến nghị xử lý những vấn đề chưa phù hợp, bất cập của các quy định hiện hành liên quan đến đầu tư, xây dựng.
Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các quy định về tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách nhà nước, kiến nghị sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, đảm bảo tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2020; đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2020 cho các dự án. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các dự án trước ngày 31/5/2020.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 theo đề xuất của bộ, cơ quan trung ương và địa phương, hoàn thành trước ngày 15/5/2020; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm các nguồn vốn các năm trước chuyển sang).
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19; ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án.
Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trường hợp cần thiết xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án (theo thẩm quyền).
Theo đó, đối với chủ đầu tư, trong tháng 4/2020 hoàn thành các thủ tục để thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2020. Trong tháng 5, tháng 6: giải ngân toàn bộ số vốn kéo dài các năm 2018, 2019 sang năm 2020; hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án quy mô lớn, quan trọng cần khẩn trương giải quyết trong tháng 4, tháng 5 để sớm có thêm các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ đầu tư thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn cho các nhà thầu theo hợp đồng; chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 và báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Cùng với việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường phối hợp theo dõi, thực hiện kế hoạch. Cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kế hoạch; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp...
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu, Bộ Tài chính định kỳ trước ngày 25 hằng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên trang điện tử Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư và phương tiện thông tin đại chúng.”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.