Sáu tháng đầu năm 2011, ngành thủy sản Việt Nam đạt con số xuất khẩu ấn tượng hơn 2,5 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay. Dự kiến cả năm kim ngạch sẽ cán mức khoảng 5,5 tỷ USD, nếu khắc phục được khó khăn lớn nhất hiện nay về nguồn nguyên liệu thiếu hụt.
“Khát” nguyên liệu
Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), bà Nguyễn Thị Thu Sắc – PCT Vasep, cảnh báo: Tiếp nối căng thẳng do thiếu tôm nguyên liệu kéo dài từ hơn tháng trước, hiện ngành đang tiếp tục đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu cá tra cho chế biến xuất khẩu. Theo tính toán của Hiệp hội, hiện nguyên liệu cá tra thiếu hụt khoảng 20% so với nhu cầu sản xuất, chế biến xuất khẩu và dự báo 6 tháng cuối năm, tình hình này còn căng thẳng hơn với khả năng thiếu hụt gần 35%. “Do nhu cầu thế giới thay đổi khi chỉ chọn loại cá tra có trọng lượng khoảng 800g/con, dẫn đến nghịch lý dù thiếu nguyên liệu nhưng số cá tra quá lứa không doanh nghiệp nào chịu mua. Điều này khiến cả người nuôi và đơn vị xuất khẩu căng thẳng hơn” - bà Sắc nói.
Chế biến xuất khẩu cá tra ở Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang). |
Theo các chuyên gia trong ngành, việc thiếu nguyên liệu đã được tính trước ngay từ đầu năm. Tuy nhiên tháng 4, tháng 5 do dịch tôm chết đồng loạt tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, Sóc Trăng... đã làm cho các doanh nghiệp “đau đầu” hơn. Hiện giá tôm loại 30 con/kg đã tăng lên ngất ngưởng, từ 250.000 - 260.000đồng/kg, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không “đào” đâu ra nguồn để mua. Riêng cá tra, do chi phí đầu vào cao, người nuôi chưa mạnh dạn đầu tư nên lượng cá tra thả nuôi vẫn chưa đáp ứng đủ công suất chế biến. Hiện giá cá tra đang giữ mức ổn định từ 24.000 – 25.000 đồng/kg và dự kiến sẽ tăng trở lại vì lượng cá nguyên liệu không còn nhiều.
“Điều đáng nói đây không phải lần đầu tiên ngành đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến mà đã dai dẳng từ nhiều năm trước. Dù Vasep đưa ra cảnh báo, doanh nghiệp thở than, người chăn nuôi loay hoay với nuôi hay không nuôi... nhưng chúng ta vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ căn cơ” - bà Sắc cho biết. Thực tế, do thiếu nguyên liệu chế biến và chi phí đầu vào tăng nhanh, từ đầu năm đến nay đã có 147 doanh nghiệp ngưng chế biến hoặc chuyển sang sản xuất, gia công các mặt hàng khác. Các doanh nghiệp khác chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 50% công suất và tiếp tục đối mặt với nguy cơ sản xuất đình đốn vì thiếu việc làm cho công nhân.
Cần phải liên kết
Phân tích từ những người trong cuộc cho rằng xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt con số cao ngất ngưởng không đến từ số lượng mà chủ yếu do giá bán tăng tới hơn 27% so với cùng kỳ năm 2010. Ngành thủy sản tương lai vẫn tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn trong việc đem ngoại tệ về cho đất nước, cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để ngành phát triển một cách ổn định, đã đến lúc các ngành chức năng cần có chiến lược phát triển dài hơi, trong đó đặc biệt phát triển vùng nguyên liệu bền vững, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà nông yên tâm với sản xuất và nuôi trồng.
TGĐ Cty CP thủy sản Hùng Vương - ông Dương Ngọc Minh, cho biết hiện nhiều doanh nghiệp không còn tâm lý mong chờ vào nguyên liệu do người dân nuôi trồng, mà đã chủ động đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình. Theo tính toán của doanh nghiệp, do doanh nghiệp có lợi thế kinh nghiệm nên đã hạ được tỷ lệ tiêu tốn thức ăn, góp phần hạ giá thành cá tra thấp hơn thị trường từ 1.500 – 2.500 đồng/kg. “Tuy nhiên hiệu quả nhất vẫn là mô hình doanh nghiệp kết hợp cùng người chăn nuôi, trong đó chúng tôi lo nguyên liệu đầu vào như con giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật... còn người chăn nuôi bỏ công chăm sóc. Điều này sẽ tận dụng được diện tích ao nuôi của bà con và công lao động nông nhàn” - ông Minh cho biết.
Thông tin từ Vasep cho biết ngành vừa đề nghị với Bộ Nông nghiệp nên siết chặt quy hoạch và nhanh chóng ổn định sản lượng cá tra xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn trong thời gian 3 năm, để đảm bảo cân đối cung cầu và người nuôi có lãi. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên kết hợp cùng người dân nuôi cá để tiến tới chủ động được khoảng 30% nguồn nguyên liệu. Đồng thời theo bà Sắc, trong bối cảnh dịch bệnh thất thường, người chăn nuôi cần kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, ngành chức năng trong việc theo dõi, phòng ngừa, kịp thời hạn chế lây lan giữa các vùng nuôi tránh gây thiệt hại liên hoàn.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa