Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên khoáng sản nói riêng, là nội dung không thể thiếu trong chương trình phát triển bền vững quốc gia, là một nội dung cần được đặc biệt ưu tiên. Bao gồm các hoạt động khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, trong đó sử dụng tiết kiệm là chủ đạo.
Thực trạng quản lý và khai thác
So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam có những lợi thế quan trọng về tài nguyên khoáng sản. Hiện cả nước có hơn 1.000 mỏ lớn nhỏ đang được khai thác. Nhưng do quản lý thiếu chặt chẽ nên tình trạng khai thác thiếu quy hoạch, rất bừa bãi đối với các mỏ nhỏ, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, hủy hoại môi trường, thảm thực vật, gây sự cố môi trường như sạt lở, sập hầm lò…
Đặc biệt, các mỏ nhỏ nằm phân tán ở các địa phương không được quản lý thống nhất, đồng bộ nên tình trạng thất thoát tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường càng trầm trọng hơn. Bên cạnh việc làm lãng phí tài nguyên do không tận thu được hàm lượng khoáng sản hữu ích, việc khai thác bằng công nghệ lạc hậu còn gây ra tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm sông suối, ven biển.
Bên cạnh đó, phương thức chế biến và và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như tiêu dùng còn nhiều bất cập, chưa thân thiện với môi trường nên đã và đang tác động xấu đến nhiều vùng trong cả nước, đe dọa đến sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống xã hội trong hiện tại và tương lai.
Trữ lượng hạn hẹp
Nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, Việt Nam được xếp vào hàng các nước có nhiều loại khoáng sản. Có thể kể đến như Dầu khí, Than, Sắt, Titan, Bauxit, Vàng, Đất hiếm, Apatit, Đá vôi xi măng, Đá xây dựng.
Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, từ độ sâu 30m đến 100m nước vùng bờ biển, các nhà khoa học đã phát hiện một số mỏ sa khoáng có ý nghĩa kinh tế như các mỏ chứa Inmenit, Rutin, Monazit, Ziacon, Vàng, Croom, Titan, sắt ,...
Tuy vậy, khi đánh giá về tiềm năng khoáng sản Việt Nam , các nhà khoa học đều cho rằng nước ta có nhiều loại khoáng sản nhưng trữ lượng hầu hết không nhiều. Đơn cử như dầu khí đã khai thác trên 300 triệu tấn, với sản lượng khai thác gần 20 triệu tấn quy dầu/năm, thì lượng dầu khí chỉ khai thác được chừng 30 năm nữa sẽ cạn kiệt.
Một số loại khoáng sản như bauxit, đất hiếm…Việt Nam có dự báo đạt tầm cỡ thế giới, nhưng thế giới cũng có nhiều và không có nhu cầu tiêu thụ lớn. Điều đó có nghĩa là loại khoáng sản thế giới cần thì Việt Nam lại không có. Đây là vấn đề phải được quan tâm nghiên cứu đánh giá khách quan giữa cung và cầu, để có chiến lược sử dụng tài nguyên khoáng sản đúng đắn, hợp lý, phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.
Đề xuất giải pháp
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồi-Trường Đại học Luật Hà Nội và Tiến sĩ Phạm Quang Tiến-Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Nhằm mục đích sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững, lâu dài nguồn lực khoáng sản phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước hết phải tiến hành công tác kiểm kê tổng thể số lượng, trữ lượng các mỏ đã có và khai thác trên phạm vi cả nước. Làm cơ sở đánh giá, nhìn nhận một cách đúng đắn, khách quan về tiềm năng tài nguyên khoáng sản đẩy mạnh công tác điều tra, tìm kiếm, thăm dò để phát hiện mỏ mới. Đi đôi với việc Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách về đấu thầu quyền thăm dò, khai thác đối với các mỏ. Đồng thời quy hoạch một cách cụ thể từng loại khoáng sản. Có biện pháp tăng cường việc sử dụng các phương pháp tiên tiến trong khai thác, chế biến sâu nhằm năng cao hiệu quả kinh tế, tránh được xuất khấu thô, loại bỏ được nạn “quặng tặc”…
Mặt khác sử dụng các công cụ kinh tế, hành chính và chế tài pháp luật thực hiện có hiệu quả Luật Khoáng sản. Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý tài nguyên khoáng sản từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng quy hoạch thống nhất sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Tổ chức trình tự khai thác mỏ một cách hợp lý, tránh tình trạng mỏ dễ làm trước, mỏ khó bỏ lại; tăng đầu tư cho khâu phục hồi, tái tạo và và cải thiện môi trường sinh thái ở các địa bàn khai thác mỏ.
Về kỹ thuật: Đổi mới công nghệ khai thác, sàng tuyển và chế biến để tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường. Áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng các loại quặng có hàm lượng thấp, góp phần giảm thiểu tối đa khối lượng đất đá thải; thu hẹp diện tích bãi thải; thu hồi các chất hữu ích từ các bãi thải quặng vừa làm sạch môi trường lại vừa tránh được lãng phí tài nguyên.
Văn Hào