Khai thác tiềm năng kinh tế đảo

Việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên từ hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ của nước ta, đến nay vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Nhiều lợi thế

Tài nguyên khoáng sản vùng biển nước ta rất phong phú như kim loại hiếm, quặng titan, cát thủy tinh, khoáng sản kim loại như vàng, thiếc…

Lý Sơn là một trong những đảo phát triển mạnh về kinh tế, văn hóa, du lịch. Ảnh: Phước Ngọc – TTXVN

 

Một số đảo, cụm đảo ven bờ có lợi thế địa lý, diện tích lớn và đông dân cư như Phú Quốc, Cát Bà, Côn Đảo, Lý Sơn… có thể xây dựng thành các trung tâm kinh tế hải đảo toàn diện, hiện đại, đóng vai trò kết nối quan trọng giữa dải ven biển và các vùng biển phía ngoài trong phát triển không gian biển.

“Các cụm đảo và khu vực ven biển kết hợp tạo ra những khu vực có lợi thế địa lý rất quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển Tổ quốc. Còn hệ thống đảo ngoài khơi có tính chất tiền tiêu cho vùng biển, là những căn cứ hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là hàng hải quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi,nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, các đảo còn quy tụ hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, phát triển nghề cá nói chung, nghề cá giải trí nói riêng và du lịch biển - đảo. Cùng đó, nhiều đảo, cụm đảo cũng mang giá trị văn hóa to lớn.

Khai thác dựa trên lợi thế vùng

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng hiện nay chúng ta chưa sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trên các đảo. Không ít đảo có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, không thua kém gì các “đảo thiên đường” của Thái Lan hay Singapore nhưng hiện nay vẫn chưa được khai thác tốt. “Vẫn còn hiện tượng xé lẻ, chia nhỏ không gian bãi cát xung quanh đảo cho các doanh nghiệp du lịch kinh doanh tại một số đảo. Nguồn lợi hải sản xung quanh các đảo nói chung đều bị khai thác tới mức cạn kiệt. Nước thải và rác thải đang gây ô nhiễm môi trường xung quanh nhiều đảo, ví dụ như một số đảo ở Quảng Ninh, Lý Sơn, Phú Quốc…”, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo cho biết.

“Mỗi vùng biển là một hệ thống tài nguyên “đa dụng”, là tiềm năng phát triển của nhiều ngành, như thủy sản, khoáng sản, hàng hải... nhưng hiện nay vẫn thiếu quy hoạch tổng thể, mạnh ngành nào, ngành đó khai thác, dẫn đến xung đột lợi ích và “triệt tiêu” lẫn nhau giữa các ngành trong cùng một không gian biển”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhận định.

Theo các chuyên gia, để khai thác tốt lợi ích kinh tế đảo, cần nghiên cứu, điều tra làm rõ đặc tính từng đảo, cụm đảo, tùy thuộc vào lợi thế vùng miền, lợi thế của mỗi cụm đảo và từng đảo riêng biệt. Tuy nhiên, quy hoạch kinh tế đảo phải đặt trong tư duy tổng thể phát triển toàn diện cả kinh tế, địa chính trị, xã hội, khai thác phải đi đôi với bảo tồn thiên nhiên và văn hóa, đảm bảo khai thác bền vững.

“Đối với các cụm đảo nhỏ, đảo hoang sơ chưa có người ở thì phát triển kinh tế đảo gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái biển đảo... Còn với các đảo, cụm đảo lớn, đông dân như Phú Quốc, Vân Đồn, Côn Đảo, Cát Bà, Lý Sơn... thì cần có quy hoạch phát triển, xây dựng dựng thành các trung tâm kinh tế hải đảo. Tận dụng các thế mạnh của từng đảo để phát triển ngành du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội ”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

PGS.TS Vũ Thanh Ca đề xuất: “Cần có cơ chế đầu tư tài chính, phát triển khoa học - công nghệ biển để phục vụ quá trình nghiên cứu. Đặc biệt cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, bởi nguồn nhân lực trong lĩnh vực này hiện vẫn còn thiếu và yếu”.

Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN