Các đại biểu chủ tọa tại lễ khai mạc hội nghị. |
Hội nghị lần thứ 4 này do Bộ Công thương Ấn Độ phối hợp cùng với Liên đoàn Công nghiệp (CII) tổ chức và có chủ đề là “Hội nhập Kinh tế Ấn Độ - CLMV: Con đường hướng tới phát triển bền vững”.
Tham dự Hội nghị có Quốc vụ khanh Bộ Công thương Ấn Độ Nirmala Sitharaman, Thủ hiến bang Rajasthan, bà Vasundhara Raje, Chủ tịch CII Naushad Forbes, Tổng Giám đốc CII Chandrajit Banerjee, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia Chhuon Dara, Bộ trưởng Thương mại Myanmar Than Myint, đại diện doanh nghiệp các nước Ấn Độ, Campuchia, Lào, Myanmar và giới truyền thông nước chủ nhà.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng dẫn đầu tham dự Hội nghị. Thành phần đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này còn có lãnh đạo các tỉnh Bình Phước, Ninh Thuận, Gia Lai, Tiền Giang, đại diện của Thành phố Hồ Chí Minh, cán bộ Đại sứ quán và cơ quan bên cạnh đại sứ quán cùng đại diện các doanh nghiệp của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định Việt Nam đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã đạt được trong thời gian vừa qua trong công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, xã hội. Ông Cao Quốc Hưng còn cho biết thêm Việt Nam luôn ghi nhận việc Ấn Độ coi trọng và đặt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những trọng tâm trong chính sách “Hành động hướng Đông” của mình. Bên cạnh mối quan hệ với ASEAN, Ấn Độ đã chú trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các nước CLMV trong khuôn khổ hợp tác Mekong - sông Hằng.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị. |
Với tiềm lực to lớn và những thế mạnh của mình, Ấn Độ có thể hỗ trợ Việt Nam và các nước CLMV thông qua các hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực hợp tác kinh doanh, sản xuất, dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy trao đổi thương mại liên vùng, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, nâng cao năng lực.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã cập nhật một số thông tin về tình hình phát triển kinh tế, sự hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua cũng như mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng như các nước CLMV và Ấn Độ hướng tới sự phát triển biển vững, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã đưa ra 6 đề xuất về tăng cường liên kết giao thông giữa Ấn Độ và các nước CLMV; tăng cường tự do hóa thương mại và dịch vụ; tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN - Ấn Độ, xúc tiến việc thành lập Trung tâm Thương mại và đầu tư ASEAN - Ấn Độ; tiếp tục triển khai hợp tác Ấn Độ - CLMV trông khuôn khổ gói tín dụng 100 triệu USD mà Ấn Độ dành cho các nước CLMV; xác định lĩnh vực hợp tác cụ thể để hướng tới sự phát triển bền vững, cụ thể là Việt Nam và Ấn Độ có những thế mạnh riêng có thể hỗ trợ và bổ sung cho nhau; và các bên tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước, trao đổi chuyên gia, hợp tác đào tạo nhằm mục đích hỗ trợ lẫn nhau trong việc nâng cao năng lực, chất lượng quản lý, xây dựng thể chế.
Tại Hội nghị, Quốc vụ khanh Nirmala Sitharaman cho biết ASEAN là một trong những trụ cột trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và trong đó, hợp tác giữa Ấn Độ và các nước CLMV rất được chú trọng, nhất là trong lĩnh vực chế tạo, năng lượng có thể tái tạo, nông nghiệp và phát triển kỹ năng.
Về quan hệ hợp tác với Việt Nam, bà Sitharaman cho biết hai nước có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dệt may, các sản phẩm nông nghiệp, dược phẩm... Bà Sitharaman cũng nêu bật những thế mạnh của Ấn Độ như trong lĩnh vực chế tạo, dệt may, đồng thời khẳng định Hội nghị này là diễn đàn thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và kêu gọi doanh nghiệp các nước CLMV tìm kiếm các khả năng để thúc đẩy hợp tác, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.
Hội nghị Doanh nghiệp Ấn Độ - CLMV lần này diễn ra trong hai ngày với các phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề “Chế tạo - Xây dựng các đầu mối ở khu vực CLMV thông qua những cộng tác”, “Nông nghiệp, ngư nghiệp và các ngành nghề liên quan - Chia sẻ những thực tiễn tốt nhất để phát triển bền vững”; “Phát triển kỹ năng cần thiết để tăng trưởng toàn diện” và “Bảo tồn năng lượng, năng lượng tái tạo và điện”. Ngoài ra, Hội thảo còn có 3 phiên thảo luận riêng về hợp tác đối với các nước Campuchia, Myanmar và Việt Nam.