Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, nghị trình làm việc của SPIEF năm nay có sự góp mặt của lãnh đạo 59 công ty hàng đầu trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes và Fortune. Có thể kể đến trong số này các tập đoàn lớn phương Tây như Metro AG, Shell, TUI AG, Total, Boston Consulting Group (BCG), BP, Enel, Eni, Societe General, Kinross, cùng nhiều doanh nghiệp châu Á. Theo ban tổ chức, ngoài sự tham dự theo truyền thống của Tổng thống Nga Vladimir Putin, SPIEF 2015 còn đón đoàn đại biểu cấp cao nhiều nước, trong đó có nhiều bộ trưởng, doanh nhân của Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản... Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú dẫn đầu. Về phía doanh nghiệp, đoàn của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro Vietnam) do Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh dẫn đầu.
Chương trình chính thức của diễn đàn năm nay gồm 4 nhóm chính: Kinh tế thế giới: Những thách thức và chân trời mới (19 phiên thảo luận); Phát triển vốn và năng lực con người (7 phiên); Nga - không gian cơ hội (18 phiên); Mong chờ đột phá: công nghệ và đổi mới (8 phiên). Ngoài ra còn có thêm các hình thức thảo luận cho phép đề cập tới những vấn đề gai góc nhất theo những quan điểm khác nhau. Bên lề hội nghị, dự kiến khoảng gần 70 thỏa thuận sẽ được ký kết. Tại diễn đàn cũng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các hãng thông tấn và phiên thảo luận quốc tế của câu lạc bộ Valdai. Hơn 560 diễn giả và điều hành viên tham gia vào các chương trình kinh doanh.
Theo giới chuyên gia, diễn đàn lần này có thể còn được dành cho việc Nga tìm kiếm các đồng minh địa chính trị mới thay cho châu Âu và Mỹ. Đó sẽ là các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm các nước mới nổi BRICS (Brazin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Chính vì vậy, sự kiện năm nay cũng bao gồm diễn đàn kinh doanh SCO và BRICS, diễn đàn tham vấn "Kinh doanh G 20", cuộc họp ủy ban liên chính phủ Nga-Trung về hợp tác và đầu tư.
Nhìn vào thành phần và nội dung thảo luận tại diễn đàn năm nay, có thể thấy những kịch bản kinh tế tồi tệ nhất do các biện pháp trừng phạt và bao vây cấm vận của phương Tây nhằm vào Nga đã không xảy ra. LB Nga đang hướng tới những "chân trời mới" để khôi phục và phát triển kinh tế dựa trên sức hút vô cùng hấp dẫn của thị trường nội địa.