Diễn đàn lần này có gần 100 đại biểu tham dự, trong đó có các quan chức của FICCI, các nhà kinh tế và học giả Ấn Độ, các đại diện của Bộ Công Thương Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý, có tới 40 đại diện các doanh nghiệp Ấn Độ tham dự Diễn đàn này.
Tại Diễn đàn, Giám đốc điều hành Tập đoàn Bhartiya Shailesh Pathak đánh giá cao mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam. Ông cho biết hai nước đã đạt được nhiều tiến bộ trong quan hệ thương mại song vẫn còn tiềm năng rất lớn để hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Diễn đàn lần này là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu các lĩnh vực có thể hợp tác được với nhau với mục đích đem lại lợi ích cho cả hai phía.
Về phần mình, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á của Bộ Công Thương Trần Quang Huy cho biết năm 2015 là năm hồi phục rõ ràng của nền kinh tế Việt Nam khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức tăng trưởng 6,68% so với năm 2014. Việt Nam đã và đang tích cực hội nhập với nền kinh tế khu vực và toàn cầu khi là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, đã ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như các FTA với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu và hiện đang trong giai đoạn đàm phán với khối Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam.
Tại Diễn đàn, doanh nghiệp hai nước đã tích cực trao đổi, tìm hiểu tiềm năng và những cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng tái sinh, vận tải, du lịch, vật liệu xây dựng, xi măng, than, khoáng sản, bông, sợi, thức ăn gia súc, nông sản và thực phẩm đông lạnh.