Thực hiện vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh cho biết, tỉnh xác định những nhiệm vụ trọng tâm, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể là hoàn thành lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên gắn với tổ chức khai thác, vận hành, sử dụng hiệu quả hệ thống giám sát để theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển.
Bên cạnh đó, tỉnh hoàn thành thủ tục theo quy định thực hiện chính sách hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân. Từ đó, phấn đấu năm 2022 triển khai thực hiện, đấu thầu lựa chọn nhà mạng, nhà cung cấp công nghệ.
Tiếp đến, cơ quan chức năng tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát chặt sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; chỉ định, rà soát lại hệ thống cảng cá, đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Đơn vị chức năng thông báo rộng rãi đến chủ tàu cá biết chính sách hỗ trợ và quyền lợi khi vào cảng chỉ định bốc dỡ thủy sản. Điều này nhằm hạn chế tình trạng tàu cá sau khi khai thác đánh bắt về không lên sản phẩm hàng hóa tại các cảng chỉ định mà bán đi nơi khác hoặc bán trên biển.
Ngoài ra, tỉnh bố trí nguồn lực về số lượng, chuyên môn, nghiệp vụ và kinh phí, đảm bảo phục vụ cho công tác chống khai thác IUU; tăng cường tuần tra kiểm soát trên biển, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đúng trình tự thủ tục và thời gian quy định.
“Tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 24/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành ven biển trong trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm quy định về chống khai thác IUU. Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối, chịu trách nhiệm trao đổi xử lý thông tin với các bộ, ngành Trung ương có liên quan trong chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.” - ông Lâm Minh Thành nhấn mạnh.
Đối với việc thông tin tuyên truyền, tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương ven biển thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp để người dân, nhất là doanh nghiệp khai thác thủy sản, chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân tiếp cận, cam kết thực hiện các quy định về chống khai thác IUU.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang cho hay, Sở phối hợp tuyên truyền thường xuyên thông qua các tin, bài viết, phóng sự, chuyên mục trên báo, đài tỉnh, trung ương, trên hệ thống thông tin cơ sở và các hình thức trực quan. Mặt khác, Sở cũng triển khai tuyên truyền thông qua Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh và huyện, thành phố; tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube… và các ấn phẩm sổ tay, tờ rơi, tờ gấp…
Qua đó, giúp ngư dân hiểu rõ tác hại của “thẻ vàng” và hiểu rõ hơn nếu EC tiếp tục rút “thẻ đỏ” sẽ ảnh hưởng bất lợi, nghiêm trọng đối với thủy sản Việt Nam và đời sống ngư dân. Đồng thời, vận động, kêu gọi ngư dân tích cực hợp tác, chấm dứt tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật; thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU tại tỉnh.
Trong một diễn biến khác, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã khẩn trương điều tra, xác minh và đề xuất xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, nhất là số tàu cá do các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển phát hiện, cung cấp thông tin.
Thượng tá Doãn Đình Tránh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết: “Bộ đội Biên phòng tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vì lợi ích kinh tế cá nhân cố tình đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào các Trạm kiểm soát Biên phòng, đảm bảo tàu cá xuất bến ra khơi hoạt đông khai thác đánh bắt có đủ điều kiện theo quy định.”
Song song đó, Công an tỉnh Kiên Giang tiếp tục theo dõi, điều tra, xác minh để xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức móc nối với nước ngoài đưa tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép hoặc đưa ngư dân về nước bằng con đường không chính thức, nhằm trốn tránh bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.
Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành ven biển của cả nước có đoàn tàu cá. Đến nay, tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 99% số tàu quy định phải lắp đặt thiết bị này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, qua thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đã kêu gọi hàng nghìn lượt tàu vi phạm ranh giới hải phận trong quá trình khai thác đánh bắt trên ngư trường quay trở về vùng biển Việt Nam; nhắc nhở hàng nghìn lượt tàu về khai thác IUU và xử lý nhiều vụ vi phạm trên biển.
Trong 2 năm (2019 - 2020), tỉnh Kiên Giang đã xử lý 41 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 31 tỷ đồng, tịch thu 45 tàu cá và tước quyền thuyền trưởng vi phạm pháp luật; những tháng đầu năm 2021, tỉnh xử lý 22 vụ với 30 tàu.
Tuy nhiên, việc chống khai thác IUU của tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa đạt yêu cầu đề ra theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 34 của Tỉnh ủy Kiên Giang về vấn đề này. Tỉnh vẫn chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Theo Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh, qua theo dõi tình hình, thu thập thông tin, hiện nay các tổ chức quốc tế liên quan và nước thứ ba cạnh tranh với Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường châu Âu (EU) tác động bất lợi đến nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, gây sức ép với EC không gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho Việt Nam, thậm chí đề nghị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ”, vì cho rằng, Việt Nam chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định quốc tế về chống khai thác IUU.