Theo ông Nguyễn Hào, nguyên nhân sự cố sạt lở là do khách quan. Bởi theo thiết kế, bờ và lòng kênh thủy lợi Châu Bình là bằng đất không phải là bê tông hóa; trên chiều dài kênh 10 km chỉ ghép đá vỉa một số đoạn xung yếu cục bộ. Do địa hình vùng đồi núi, thường xuyên xảy ra mưa lũ, mái kênh làm bằng đất nên mưa xuống là sạt lở đất đá xuống lòng kênh. Tuy nhiên, việc sạt lở không ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thoát nước của kênh.
Hiện, cùng với việc gia cố bằng bê tông tại các điểm chân cầu bắc qua kênh thủy lợi Châu Bình, chủ đầu tư cũng đã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục tại các điểm sạt lở, tiến hành đưa máy nạo vét đất sạt lở xuống lòng kênh, đảm bảo cho việc tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng đang phối hợp với huyện Quỳ Châu khẩn trương triển khai phương án đền bù, sớm di dời một số hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở. Đồng thời, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, nhất là việc đơn vị tư vấn đã lập hồ sơ chồng lấn đất lâm nghiệp của nhiều hộ dân tại khu vực Bụng - Khe tràng, khiến việc giải phóng mặt bằng chậm trễ.
Dự án kênh thủy lợi Châu Bình được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt vào tháng 10/2012, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, có tổng vốn là 750 tỷ đồng, gồm các hạng mục như: giải phóng mặt bằng, xây dựng cầu, đường và kênh tưới tiêu; riêng tuyến kênh có vốn đầu tư là 167 tỷ đồng.
Kênh thủy lợi Châu Bình là một trong những hạng mục của dự án xây dựng hồ chứa nước Bản Mồng, một trong những công trình thủy lợi trọng điểm nằm trong chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An, với tổng vốn đầu tư 4.455 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Tuyến kênh này dài gần 10 km, đi qua hai xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) và xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp), được đầu tư xây dựng để tiêu thoát lũ vùng trung tâm thị tứ Châu Bình; cấp nước cho 180 ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt, chăn nuôi; cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực, kết hợp phát triển du lịch, dân sinh, phòng chống lũ hạ du.
Công trình này khởi công tháng 10/2014, dự kiến sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng cuối năm 2017. Song, trong quá trình thi công, do tình hình mưa lũ đã xảy ra tình trạng nhiều đoạn sạt lở đất xuống lòng kênh. Hiện, tuyến kênh này vẫn chưa bàn giao đưa vào sử dụng.
Ông Lê Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết, kênh thủy lợi Châu Bình đi qua trên địa bàn xã dài 8 km, việc thi công tuyến kênh kéo dài nhiều năm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, nước dâng cao gây ngập cục bộ nhà cửa, ảnh hưởng đến sản xuất hoa màu tại các bản Quỳnh 1, Quỳnh 2 và Quỳnh 3, 4.
Nguyện vọng của chính quyền địa phương cũng như bà con nhân dân là chủ đầu tư đốc thúc đơn vị thi công sớm hoàn thành dự án, bàn giao đưa vào sử dụng, đảm bảo việc tiêu thoát nước, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất hoa màu, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Ông Lô Thanh Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Châu cho biết, triển khai dự án kênh thủy lợi Châu Bình, huyện Quỳ Châu được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản xong. Tuy nhiên, tại khu vực Bụng - Khe tràng đang gặp một số vướng mắc do chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập hồ sơ chồng lấn lên đất lâm nghiệp của dân nên huyện đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư lập hồ sơ, đo lại.
Liên quan đến thực trạng kênh thủy lợi Châu Bình có một số đoạn bị sạt lở, UBND huyện Quỳ Châu cũng đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư cho phép giải phóng mặt bằng để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho một số hộ dân bị ảnh hưởng và hiện nay cơ bản đã giải quyết xong.
Huyện Quỳ Châu cũng đề nghị chủ đầu tư sớm lập hồ sơ để huyện tiến hành giải phóng mặt bằng tại các điểm còn lại, sớm hoàn thành dự án, tránh tình trạng kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như phát triển kinh tế của huyện Quỳ Châu.