Khắc phục sớm các điểm sự cố công trình hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 nên trên hệ thống xảy ra 11 sự cố công trình; trong đó, 9 sự cố thuộc địa phận tỉnh Hải Dương. Các sự cố chủ yếu là sạt bờ kênh, sụt thân cống qua đê, tràn bờ kênh.

Chú thích ảnh
Gia cố bờ kênh Tây Kẻ Sặt ở xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang.

Các sự cố đã được phát hiện kịp thời và công ty đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp có mặt tại hiện trường, phối hợp với địa phương tiến hành xử lý. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ và kịp thời của các địa phương theo phương châm 4 tại chỗ, các điểm sự cố đã được khắc phục nhanh.

Tuy nhiên, theo ông Lương Xuân Chính, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, việc khắc phục này mới là xử lý tình huống khẩn cấp, còn về lâu dài vẫn nhiều nỗi lo vì trên toàn hệ thống còn nhiều điểm trọng yếu tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra sự cố.

Chỉ tính riêng trên bờ kênh Bắc Hưng Hải thuộc địa phận tỉnh Hải Dương, theo khảo sát, có 87 điểm nguy cơ. Cụ thể, huyện Bình Giang có 25 điểm, Cẩm Giàng có 18 điểm, thành phố Hải Dương 3 điểm; huyện Gia Lộc có 17 điểm; Thanh Miện có 18 điểm và Ninh Giang có 6 điểm. Cùng với đó, có 98 cống xung yếu, tập trung nhiều nhất tại Bình Giang có 22 cống, Cẩm Giàng 27 cống, Tứ Kỳ có 24 cống.

Hiện nay, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chảy qua địa phận quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội) và 3 tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh. Tổng chiều dài kênh trục là 232 km và tổng bờ kênh dài 492 km, phục vụ tưới cho diện tích 110.000 ha đất nông nghiệp, chống ngập úng cho trên 190.000 ha các tỉnh.

Chú thích ảnh
 Sạt lở bờ kênh ở gần Trạm bơm Phạm Khê, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện.

Ông Lương Xuân Chính cho biết, những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu tiêu úng của các địa phương ngày càng cao. Trong khi đó, hệ thống Bắc Hưng Hải từ khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác đã gần 65 năm, đến nay nhiều đoạn kênh trên các tuyến kênh bị bồi, thu hẹp mặt cắt và tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng kênh vẫn diễn ra.

Bờ kênh nhiều đoạn còn thấp, bé, chưa đạt theo mặt chắt thiết kế. Đối với các cống điều tiết, hầu hết công trình đã xây dựng lâu năm, hệ thống giàn van cánh cống đã cũ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng chống thiên tai của toàn hệ thống.

Đối với các điểm xung yếu này, trước mùa mưa bão, doanh nghiệp đã lên phương án ứng phó nếu có sự cố xảy ra, đồng thời, phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương xây dựng kế hoạch, sẵn sàng nhân lực, vật tư và phương án để ứng phó.

Đánh giá cao sự phối hợp của chính quyền các địa phương trong thực hiện xử lý khẩn cấp sự cố công trình khi trong cơn bão số 2 vừa qua, đại diện lãnh đạo Công ty Bắc Hưng Hải cũng mong muốn: các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí đắp tôn cao áp trúc các đoạn công trình còn xung yếu.

Cùng với đó, ngăn chặn các vi phạm lưu không hành lang công trình thủy lợi như đào ao thả cá, đào đất, làm nhà, bến bãi vật liệu; nhất là việc hút cát trái phép vì điều này tiềm ẩn nguy cơ sạt, vỡ bờ kênh trong mùa mưa bão.

Tin, ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)
Ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi gây ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải
Ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi gây ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Tại Công văn số 3372/VPCP-NN, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để quản lý chặt chẽ chất lượng môi trường nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn, phòng, chống và ngăn chặn được các đối tượng, các hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường nước trái phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN