Nhiều dự án thi công gặp khó
Đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình là chủ đầu tư) do được triển khai trước nên đến nay, sản lương thi công đã đạt khoảng 84%, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Cụ thể, các nhà thầu đã hoàn thành hơn 5km móng cấp phối đá dăm loại 1 và bê tông nhựa lớp C19; hoàn thành một cầu chui dân sinh và 35/38 khối đúc hẫng cầu Nam Bình, dự kiến hợp long trước ngày 30/9/2021...
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Bình, các nhà thầu đang đẩy nhanh thi công hoàn thiện mặt đường và các cầu trên tuyến. Dự án đảm bảo hoàn thành, thông tuyến vào cuối năm 2021 theo đúng yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.
Là đơn vị được giao một số dự án trọng điểm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, hai dự án cao tốc trên có tổng chiều dài 99km. Đến nay, các nhà thầu đã huy động đầy đủ máy móc thiết bị và nhân lực để thi công đường công vụ, làm lán trại, bãi tập kết vật liệu chuẩn bị thi công đại trà. Do dịch COVID-19 nên các dự án này đã phải chịu nhiều ảnh hưởng về huy động nhân sự, vật liệu do nguồn cung không đều nên thi công gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, cao tốc Bắc-Nam, đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây cũng đang gặp vấn đề về tiến độ do ảnh hưởng của dịch. Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, từ khi khởi công đến nay, từ sau 30/4-1/5 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát nên việc triển khai thi công dự án càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai, Bình Thuận do đang thực hiện giãn cách xã hội.
“Do tiến độ cấp bách của dự án, Ban quản lý dự án Thăng Long đã lên các kế hoạch chi tiết để triển khai thi công, đảm bảo trong bối cảnh dịch. Theo đó, là thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch trong công trường; quản lý "3 tại chỗ" đối với việc ăn ở, sinh hoạt và thi công xây dựng phạm vi công trường; chia ca kíp với số lượng công nhân phù hợp, đảm bảo giãn cách, tránh tập trung đông người; ứng dụng công nghệ thông tin để tương tác, trao đổi công việc…”, ông Roãn cho biết.
Ngoài những khó khăn do dịch bệnh gây ra, ông Dương Viết Roãn thừa nhận, từ khi các dự án cao tốc Bắc-Nam khởi công đến nay, giá cả vật liệu tăng so với thời điểm đấu thầu. Đặc biệt, giá thép tăng đột biến từ 40-50% cũng gây khó khăn cho các nhà thầu, ảnh hưởng tới tiến độ thi công.
Bên cạnh đó, nguồn vật liệu đất, cát đắp còn thiếu do vật liệu không sản xuất sẵn ở địa phương, khi các dự án cao tốc triển khai cần một lượng lớn và trong khoảng thời gian ngắn, dẫn đến thiếu hụt. Để dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu và có giá thành hợp lý, Ban quản lý dự án Thăng Long đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan và địa phương bình ổn giá vật liệu và tạo điều kiện cấp phép, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tại hiện trường của các nhà thầu gặp khó khăn. Một số công trình như gói thầu số XL-01, dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết phải dừng thi công do có cán bộ, công nhân nhiễm COVID-19 thuộc diện F0, phải cách ly.
“Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện nghiêm các quy định, quy chế phòng, chống COVID-19; báo cáo việc huy động nhân lực, thiết bị, vận chuyển vật liệu, tổ chức công trường và phòng, chống dịch...để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, đảm bảo yêu cầu tiến độ, chất lượng” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Mặt khác, để hỗ trợ triển khai thi công các dự án trong vận chuyển nhân công, thiết bị, vật liệu thi công qua các tỉnh đang là vùng dịch, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố hỗ trợ cho phép và ưu tiên xe vận chuyển thiết bị, nhân sự, vật liệu phục vụ dự án được di chuyển vào địa bàn tỉnh để đến công trường.
Cùng đó là ưu tiên tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 cho cán bộ, công nhân viên các đơn vị đang tham gia tại các dự án trên địa bàn tỉnh, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo tiến độ thi công của các dự án.
Còn 12 km chưa giải phóng mặt bằng
Về việc giải phóng mặt bằng toàn tuyến, theo đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), đến nay có 13 địa phương nơi 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đi qua đã bàn giao mặt bằng được hơn 641km, đạt 98,2%.
Hiện chỉ có dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn do được triển khai từ sớm nên đã giải phóng mặt bằng. Còn lại khoảng gần 12km nằm rải rác tại các dự chưa bàn giao. Ngoài ra, trong phạm vi phần mặt bằng đã bàn giao vẫn còn vướng cục bộ cần tiếp tục giải quyết trong quá trình thi công.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, 12 km mặt bằng chưa bàn giao chủ yếu do các địa phương chưa hoàn thành xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật.
Cụ thể, trong tổng số 111 khu tái định cư phục vụ dự án gồm: 83 khu tái cư xây dựng mới và 28 khu đã có sẵn, các địa phương đã hoàn thành 74/83 khu xây mới, 8 khu đang thi công dự kiến hoàn thành trong quý III/2021 và 1 khu dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.
Về vấn đề di dời hạ tầng kỹ thuật, các địa phương di dời 347/725 vị trí đường điện, đạt gần 48%; di dời 22.031/40.232m đường ống nước, đạt 54,8%; di dời 44.347/91.828m đường cáp viễn thông, đạt 48,3%.
Thống kê của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho thấy, mặc dù tháng 7/2021, việc giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật của các địa phương có chuyển biến, nhưng chưa chưa đáp ứng tiến độ bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 30/7/2021 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương giải quyết dứt điểm các tồn tại về mặt bằng. Từ đó, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của dự án cao tốc Bắc – Nam.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài 654km, đi qua 13 tỉnh gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 12.401 tỷ đồng; diện tích thu hồi khoảng 4.835ha; số hộ tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng.