Ông Nguyễn Thành Vinh, Chủ tịch VBAB trao đổi biên bản hợp tác với bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ Doanh nghiệp thành phố Huế trong Hội nghị “Phát huy nguồn lực cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu thúc đẩy quan hệ Việt Nam – EU” diễn ra vào tháng 6, tại Brussels (Bỉ). Ảnh: Duy Tùng/PV TTXVN tại Bỉ
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Nguyễn Thành Vinh, Chủ tịch VBAB, cho biết tại hội nghị mang tên “Phát huy nguồn lực cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu thúc đẩy quan hệ Việt Nam – EU” diễn ra hồi đầu tháng 6 vừa qua tại Brussels, VBAB đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Bộ Nông nghiệp và môi trường, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cùng với 5 địa phương trong nước. Thỏa thuận này nhằm thúc đẩy các hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững cũng như đào tạo và đổi mới sáng tạo giữa các đối tác tại châu Âu và Việt Nam.
Theo kế hoạch, ông Nguyễn Thành Vinh sẽ sớm có các cuộc làm việc trực tiếp với các địa phương đã ký MOU trong các chuyến công tác tại Việt Nam. Từ cuối tháng 7, VBAB sẽ phối hợp đưa một công ty hàng đầu của Bỉ trong lĩnh vực năng lượng cảng biển đến thăm và khảo sát cơ hội hợp tác tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên và TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, VBAB tập trung vào việc kết nối với các đối tác Bỉ có năng lực trong lĩnh vực năng lượng sạch, đặc biệt là hydrogen, năng lượng tái tạo và quy hoạch cảng biển thông minh. Ngoài vai trò cầu nối, VBAB còn trực tiếp theo dõi từng dự án hợp tác để đảm bảo hiệu quả và lợi ích song phương. Ông Vinh cho biết: “Chúng tôi không làm theo danh sách nhu cầu một cách dàn trải mà chọn lọc theo định hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới. Mọi hợp tác đều dựa trên nguyên tắc hai chiều, minh bạch và hiệu quả”.
Chủ tịch VBAB cũng cho rằng việc quản lý kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp địa phương là rất quan trọng, đặc biệt trong các chương trình kết nối và xúc tiến đầu tư.
Trong thời gian tới, VBAB dự kiến sẽ tham gia Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (Viet Nam International Sourcing Expo) tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 9. Sự kiện này là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài nước kết nối, giao thương và tìm kiếm các giải pháp cho chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. Đây sẽ là dịp để VBAB lắng nghe nhu cầu thực tế từ các doanh nghiệp trong nước và chia sẻ kinh nghiệm làm việc với đối tác tại Bỉ và EU.
Ông Nguyễn Thành Vinh cho biết Bỉ hiện có nhiều lợi thế trong các lĩnh vực như quy hoạch cảng biển, kho vận, quản lý nguồn nước và năng lượng sạch (điện gió ngoài khơi, hydrogen, hạt nhân ứng dụng trong y tế). Đây là những ngành mà VBAB đặt trọng tâm trong chiến lược kết nối. Ngoài ra, Bỉ còn là một trung tâm văn hóa của châu Âu, với Brussels là điểm đến quan trọng để thúc đẩy hợp tác văn hóa và du lịch giữa hai bên.
Bên cạnh các mặt hàng truyền thống như nông sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu vào thị trường Bỉ, ông Nguyễn Thành Vinh cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. VBAB đã nhận thấy tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là thiết kế game, kiến trúc, quy hoạch đô thị và công nghệ sinh học, những lĩnh vực Bỉ có thế mạnh.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng có thể trở thành đối tác cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Bỉ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ông Nguyễn Thành Vinh chia sẻ: "Trước đây, FPT từng hợp tác hiệu quả với hãng viễn thông Proximus của Bỉ, cho thấy tiềm năng rõ rệt của mô hình này".
Trong bối cảnh thị trường châu Âu ưu tiên các đối tác thương mại bền vững và đáng tin cậy, VBAB nhận định đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh: “Châu Âu là đối tác đáng tin cậy, và họ cũng mong điều tương tự từ phía Việt Nam cũng như các nước trong chuỗi cung ứng. Việt Nam không chỉ là nhà xuất khẩu, mà còn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa châu Âu. Những cải cách gần đây đang góp phần làm cho nền kinh tế Việt Nam trở nên minh bạch và bền vững hơn”.