Kết nối cung cầu, phát triển cam sành Hà Giang bền vững

Ngày 14/12, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang niên vụ 2016-2017.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Hà Giang là vùng cam lớn nhất các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc. Cây cam được coi là một trong những cây chủ lực của tỉnh và đã được phát triển tập trung nhằm mục đích tạo thành vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Cam sành Hà Giang đã khẳng định được vị thế trên thị trường nhờ uy tín, chất lượng.

Hà Giang hiện có trên 7.900 ha cam; trong đó có trên 1.400 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Những trái cam sành Hà Giang nổi tiếng từ lâu đời, được xếp vào hàng đặc sản của Việt Nam, đạt trong tốp 10 sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng tin cậy do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chứng nhận; được Hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu Vàng “Món ngon - tinh hoa ẩm thực Việt” do người tiêu dùng bình chọn.

Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với vị thơm, ngon đặc trưng, một thời cam sành Hà Giang luôn là lựa chọn sốt một của người tiêu dùng. Những năm gần đây, giống cây ăn quả truyền thống này bị thoái hóa, giảm cả về diện tích, chất lượng, chỗ đứng trên thị trường.

Chính vì vậy, để cam sành Hà Giang khẳng định vị thế trên thị trường, tỉnh Hà Giang cần tiếp tục triển khai, lực chọn ra các cây đầu dòng có năng suất cao, chất lượng tốt để tạo cây sạch bệnh, đưa vào nhân giống phục vụ sản xuất. Đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất giống bằng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng tạo cây sạch bệnh; tăng cường công tác quản lý Nhà nước chất lượng giống…

Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, giai đoạn 2017-2020, tỉnh Hà Giang phấn đấu xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa cam sành Hà Giang với mục tiêu đến năm 2020 đạt từ 5.000 đến 6.000 ha; trong đó có 70% diện tích theo tiêu chuẩn VietGap. Năng suất bình quân tăng từ 74,9 tạ/ha lên 150 tạ/ha; giá trị sản xuất đạt trên 818 tỷ đồng. Thương hiệu cam sành Hà Giang trở thành thương hiệu mạnh của tỉnh và của cả nước.

Để đạt được mục tiêu trên, ngay trong năm 2017, tỉnh Hà Giang sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất cam an toàn theo hướng tập trung; đầu tư phát triển ngành sơ chế, bảo quản và chế biến cam. Đồng thời đầu tư nâng cao năng lực về sản xuất, kiến thức, thông tin thị trường.

Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ xây dựng mối liên kết thị trường giữa các nhà vật tư nông nghiệp với nông dân và các tổ chức nông dân sản xuất cam; tổ chức lại sản xuất, tăng cường tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho người trồng cam. Đặc biệt, tỉnh thường xuyên duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý cam sành Hà Giang.

Song song đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất từ giữ vững uy tín, chất lượng cam sành, đến các điều kiện để lưu thông các doanh nghiệp có thể cùng với Hà Giang trong niên vụ cam này và những năm tiếp theo với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Hà Giang phát triển”.

Nhân dịp này, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hà Giang. Theo đó, khu vực địa lý bao gồm 21 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang; 10 xã của huyện Quang Bình và 7 xã, thị trấn của huyện Vị Xuyên.

Cũng tại hội nghị, 8 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lớn của các tỉnh thành, phố trong cả nước đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang với các hợp tác xã sản xuất cam sành Hà Giang tại 3 huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình niên vụ 2016-2017.

Minh Tâm (TTXVN)
Giữ thương hiệu cam sành Hàm Yên
Giữ thương hiệu cam sành Hàm Yên

Huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai Đề án thực hiện mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap từ năm 2013. Sau 3 năm, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao với sự tham gia nhiệt tình của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN