'Kẻ thắng, người thua' sau khi FED tăng lãi suất

Quyết định tăng lãi suất liên tiếp lần thứ 9 được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra trong bối cảnh lạm phát trong tháng 2 tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn thuộc mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Chú thích ảnh
Hoạt động giao dịch trên Sàn chứng khoán New York, Mỹ, ngày 13/3/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày 21 - 22/3, FED đã đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm), đồng thời cho biết chiến dịch tăng lãi suất có thể vẫn sẽ tiếp tục bất chấp nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây.

Động thái trên đã nâng mức lãi suất qua đêm của FED lên khoảng 4,75% - 5,00%. Các dự báo cập nhật cũng cho thấy 10 trong số 18 nhà hoạch định chính sách của FED vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ tăng thêm 0,25 điểm phần trăm vào cuối năm nay.

Với việc FED tiếp tục “hãm phanh” lạm phát, câu hỏi chính đối với giới theo dõi thị trường là FED sẽ tăng lãi suất thêm bao lâu nữa và mức độ nguy cơ suy thoái có thể xảy ra.

Greg McBride, nhà phân tích tài chính của công ty dịch vụ tài chính Bankrate, cho biết: “Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiếp tục. Tình trạng hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng đã lắng xuống và thị trường tài chính đã bình thường trở lại để FED cảm thấy ổn thỏa với đợt tăng lãi suất thứ 9”.

Dưới đây là những người chiến thắng và kẻ thua cuộc từ quyết định mới nhất của FED.

Tài khoản tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi

Lãi suất tăng có nghĩa là lợi nhuận từ tài khoản tiết kiệm tại các ngân hàng cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng lãi suất sẽ khác nhau giữa các ngân hàng.

Chuyên gia McBride cho biết: “Việc tăng lãi suất của FED sẽ giữ nguyên quỹ đạo đang đi lên của các tài khoản tiết kiệm, tài khoản thị trường tiền tệ và lãi suất chứng chỉ tiền gửi”.

Theo nhà phân tích, những người tiết kiệm muốn tối đa hóa thu nhập từ tiền lãi nên cân nhắc chuyển sang các ngân hàng trực tuyến hoặc các hiệp hội tín dụng hàng đầu vì tại đó lãi suất thường tốt hơn nhiều so với lãi suất của các ngân hàng truyền thống.

Tài sản thế chấp

Mặc dù lãi suất quỹ liên bang, vốn phụ thuộc phần lớn vào lợi tức kho bạc 10 năm, không thực sự ảnh hưởng đến lãi suất thế chấp nhưng hai chỉ số này thường di chuyển theo cùng một quỹ đạo vì những lý do tương tự. Với lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm từ mức cao nhất trong những tháng gần đây, lãi suất thế chấp đã cùng giảm mạnh.

Chuyên gia McBride chỉ ra lãi suất thế chấp ở mức trên 6,5% và với lạm phát ở mức 6%, sẽ không có nhiều yếu tố để lãi suất thế chấp này giảm cho đến khi lạm phát giảm hoặc nền kinh tế chậm lại đáng kể.

Cụ thể, tỷ lệ thế chấp vẫn cao hơn nhiều so với mức một năm trước. Cùng với già nhà đất tăng nhanh, điều này đã tạo ra một cú sốc gấp đôi cho những người mua nhà tiềm năng. Giá nhà đắt hơn và các khoản vay thế chấp lãi cao hơn dẫn đến một thị trường nhà ở ì ạch.

Các nhà đầu tư trái phiếu, chứng khoán

Lãi suất thấp giúp cổ phiếu trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn hơn so với lãi suất từ các khoản đầu tư cố định như tài khoản tiết kiệm hay chứng chỉ tiền gửi.

Tuy nhiên, khi FED tăng lãi suất thì giá cổ phiếu lại đồng loạt giảm trên gần như tất cả thị trường. Một khi lãi suất tăng, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu để gửi tiền vào ngân hàng. Khi đó, doanh thu của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến mức tiêu dùng của dân, sẽ bị ảnh hưởng giảm, kéo theo lợi nhuận và giá trị nội tại của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, người dân chuyển tiền từ đầu tư, lướt sóng chứng khoán qua tiền gởi ngân hàng nên dòng tiền cầu của chứng khoán giảm.

Không chỉ vậy, lãi suất tăng thì chi phí vốn chủ sở hữu sẽ tăng, kéo theo giá trị nội tại của doanh nghiệp giảm theo.

Ông McBride cho biết thông điệp của FED gửi tới các nhà đầu tư là họ sẽ ra những đánh liên tục cho đến khi lạm phát được cải thiện. Chính vì vậy, các nhà đầu tư cần chuẩn bị trước sự biến động thêm trên thị trường chứng khoán và trái phiếu sau này.

Thẻ tín dụng

Nhiều ngân hàng tính lãi suất trên thẻ tín dụng đối với khách hàng dựa trên lãi suất cơ bản và có liên quan chặt chẽ với lãi suất quỹ liên bang. Quyết định của FED sẽ dẫn đến lãi suất thẻ tín dụng tăng cao hơn so với hiện tại – vốn đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và trên đà tăng.

Chính phủ liên bang

Với khoản nợ công gần 32.000 tỷ USD, lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí của chính phủ liên bang khi đáo hạn nợ và có những khoản vay mới. Tuy nhiên, trong hàng chục năm qua, chính phủ đã được hưởng lợi từ việc giảm lãi suất. Bên cạnh đó, với đà lạm phát tăng và giá trị đồng USD trở nên ít đi, chính phủ Mỹ vẫn đang được hưởng lợi khi lạm phát phát còn cao hơn lãi suất.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo BI)
Lý do FED vẫn tăng lãi suất bất chấp khủng hoảng ngân hàng
Lý do FED vẫn tăng lãi suất bất chấp khủng hoảng ngân hàng

Ngày 22/3 (giờ Mỹ), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông báo tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm bất chấp những lo ngại về khủng hoảng ngân hàng. Động thái này cho thấy FED có ưu tiên khác trong tình hình hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN