Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, ông Hemmati cho biết cơ chế trên, hoạt động như một thỏa thuận giao dịch tiền tệ giữa Iran và các nước EU, được thiết lập nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên duy trì quan hệ hợp tác bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ông Hemmati nhấn mạnh thông qua kênh thanh toán này, doanh nghiệp của Iran và EU có thể dễ dàng thanh toán thông qua chuyển khoản ngân hàng. Quan chức Iran này cũng lưu ý rằng Iran và EU đang nỗ lực đưa cơ chế giao dịch tiền tệ trên sớm vào hoạt động và chi tiết của kế hoạch này sẽ được công bố trong thời gian tới.
Hồi tháng 9 vừa qua, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết EU sẽ tạo ra một khung pháp lý để tạo thuận lợi về thanh toán, cho phép các công ty EU tiếp tục giao dịch với Iran theo luật pháp châu Âu. Việc thành lập cơ chế này thể hiện EU chủ động thực hiện các nghĩa vụ của mình.
Cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Mỹ bị các đồng minh truyền thống cô lập trong cuộc đối đầu với Iran, thậm chí EU cũng đứng về phía Tehran chống lại việc Washington tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Phát biểu tại Quốc hội Iran, Tổng thống Rouhani nêu rõ việc Mỹ đưa ra một quyết định và bị các đồng minh truyền thống phản đối là điều không thường xuyên xảy ra. Ông cho rằng một năm trước, không ai có thể tin rằng EU sẽ đứng về phía Iran và chống lại Mỹ.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sau khi vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), và đến tháng 8, Washington áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nước này.
Mỹ yêu cầu các nước ngừng mua dầu của Iran kể từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả về tài chính. Tuy nhiên, các bên còn lại trong Nhóm P5+1 cùng với Iran vẫn cố gắng cứu vãn thỏa thuận và ngày 24/9 vừa qua đã nhất trí thúc đẩy một cơ chế đặc biệt để duy trì thương mại với Iran, trong đó có lĩnh vực dầu mỏ, nhằm tránh các trừng phạt của Mỹ.