Sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin ngày 29/11, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và xung đột Nga - Ukraine nổ ra, toàn cầu hóa đối diện với thách thức lớn nhất từ Thế chiến II đến nay.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã cùng chia sẻ quan điểm này trong cùng cuộc họp báo. WTO ước tính, nếu kinh tế toàn cầu trở thành hai khối thương mại, về dài hạn sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu thu hẹp 5%.
Bà Okonjo-Iweala phát biểu rằng: “Phi toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến chúng ta khó giải quyết những vấn đề đang đối mặt hiện nay. Chủ nghĩa bảo hộ, tách rời, chia rẽ có tính hủy hoại rất cao và cái giá phải trả rất đắt”.
Cả Tổng Giám đốc IMF và WTO đều cho rằng, phi toàn cầu hóa và phân mảnh hóa sẽ gây nên những tác động nghiêm trọng nhất đối với các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi.
Bà Okonjo-Iweal nhấn mạnh, mức độ thu hẹp GDP của các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi có thể cao ở mức hai con số, đồng thời kêu gọi các nước áp dụng biện pháp thông minh, phân tán ngành sản xuất.
Khi đề cập đến hai nước Mỹ và Trung Quốc, bà Georgieva nhấn mạnh, tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chậm lại. Số liệu cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 thậm chí còn thấp hơn mức 2,7% được IMF dự báo vào giữa tháng 10 năm nay. Dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài và các vấn đề của ngành bất động sản đã gây nên những rủi ro liên tục đối với nền kinh tế Trung Quốc, IMF có thể sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này.
Trước đó, IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 3,2% trong năm 2022 và tăng lên 4,4% trong năm 2023. Theo bà Georgieva, đến năm 2023, khoảng 1/3 các nền kinh tế toàn cầu và 1/2 các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) sẽ rơi vào suy thoái. Hiện nay, lạm phát được dự đoán sẽ kéo dài hơn, song năm 2023 có thể sẽ từng bước giảm xuống mức 6,5%.