Ông Mai Văn Nhơn, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, tình hình thu hút và giải ngân vốn FDI ở Đồng Nai rất khả quan. Việc giải ngân nhanh, đạt cao thể hiện nhà đầu tư có nhu cầu thật, mong muốn sớm đi vào sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tại Đồng Nai, sau khi các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng vốn, chỉ trong khoảng 1 đến 2 năm là nhà đầu tư nước ngoài giải ngân hết vốn đăng ký. Điển hình như Công ty TNHH New Việt Nam (vốn đầu tư Nhật Bản, đóng tại Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa), cuối năm 2017, doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thêm gần 110 triệu USD, qua 10 tháng của năm 2018, doanh nghiệp đã giải ngân 58 triệu USD, đạt hơn 50% tổng vốn đăng ký tăng thêm.
Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Hwaseung Vina (huyện Nhơn Trạch) cũng đã giải ngân được khoảng 85 triệu USD. Hầu hết vốn giải ngân được doanh nghiệp dùng để nhập máy, dây chuyền sản xuất mới, mở rộng nhà xưởng.
Lý giải tiến độ các dự án FDI giải ngân đạt cao, theo ông Nhơn, bên cạnh quyết tâm của nhà đầu tư còn do Đồng Nai có môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi; đồng thời, các ngành chức năng giải quyết nhanh các thủ tục hành chính; hệ thống pháp luật (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp) của nước ta dần hoàn thiện.
Từ những quy định của luật, cơ quan chức năng có cơ sở để làm việc với doanh nghiệp FDI, hối thúc họ giải ngân, với những dự án quá thời hạn mà nhà đầu tư không thực hiện, tỉnh kiên quyết thu hồi.
Hiện, Đồng Nai có hơn 1.370 dự án FDI (của có 45 quốc gia và vùng lãnh thổ) còn hiệu lực với tổng vốn hơn 28 tỷ USD. Dự kiến năm 2018, tỉnh thu hút khoảng 2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.