Hơn 1.380 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết

Ngày 12/12, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết: Các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch dự trữ, chuẩn bị hàng hóa với tổng trị giá hơn 1.380 tỷ đồng để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. 

Chú thích ảnh
Nhân viên siêu thị Co.opmart Cà Mau bày hàng hóa phục vụ thị trường dịp lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch năm 2025. 

Các nhóm mặt hàng dự trữ chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, du khách trong dịp Tết Ất Tỵ năm 2025 không phong phú, đa dạng về chủng loại, mà phần lớn là chuẩn bị hàng Việt. Cụ thể là nhóm nông sản thực phẩm; nhóm công nghệ thực phẩm; nhóm sản phẩm OCOP, đặc sản của tỉnh...; nhóm nhiên liệu như xăng, dầu các loại, gas; nhóm mặt hàng nông sản như:tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, cá chình, cá bống tượng, cá bổi...

Theo ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, dự báo thị trường hàng hóa Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 giữ mức ổn định, giá cả không biến động nhiều so với ngày thường, sức mua trong dịp Tết tăng khoảng 10% so với ngày thường. Sở Công Thương triển khai các nhiệm vụ nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhất là cung cấp đầy đủ, thường xuyên, đảm bảo nguồn hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bên cạnh đó, tỉnh kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả hợp lý đảm bảo cung ứng, phân phối hàng hóa góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các doanh nghiệp, các trung tâm thương mại, siêu thị đã xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ hàng hóa kinh doanh tại đơn vị và tham gia phương án bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường dịp Tết Ất Tỵ 2025 trên địa bàn tỉnh; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa trên thị trường và nguồn hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác rõ ràng và giá bán ổn định.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Phụ trách Siêu thị Co.opmart Cà Mau cho biết, Co.opmart Cà Mau đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu phục thị trường Tết Ất Tỵ năm 2025 với tổng trị giá gần 30 tỷ đồng, tăng hơn 5%; trong đó, chuẩn bị hàng hóa thiết yếu thuộc chương trình bình ổn trị giá hơn 16,6 tỷ đồng, tăng khoảng 3,2% so với năm 2024.

Phần lớn trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản...; còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết. Ngoài chương trình bình ổn, Co.opmart Cà Mau thực hiện khuyến mãi Tết liên tục trong 59 ngày đêm (chia làm 4 kỳ), với khoảng 3.500 mặt hàng Tết giảm giá mạnh giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu đón xuân mới.  

Sở Công Thương tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi, nắm sát tình hình cung cầu hàng hoá trong dịp Tết; đồng thời giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp tham gia bình ổn trên địa bàn triển khai tốt các điểm bán hàng lưu động, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến vùng sâu, vùng xa gắn với Chương trình ‘‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’; tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tăng khả năng tiếp cận hàng hóa cho nhân dân vùng khó khăn, có thu nhập trung bình và thấp với giá cả hợp lý, hàng hóa đảm bảo chất lượng.

Cùng với đó, Thanh tra Sở Công Thương chủ động phối hợp với các Đội quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Cà Mau và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; kiểm tra, giám sát thị trường đối với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Tin, ảnh: Kim Há (TTXVN)
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 9%
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 9%

Theo số liệu mới nhất từ Tổng Cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 11/2024 ước đạt 562 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,9%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 12,5% do lượng khách quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN