Hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư minh bạch, ‘hút’ vốn FDI

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung cải cách và hoàn thiện thể chế, dỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh và đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là cởi mở và thân thiện. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình tăng trưởng kinh tế, “sức khỏe” của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024, đặc biệt tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và USD biến động khó lường trong thời gian gần đây?

Trong 6 tháng đầu năm nay, khu vực công nghiệp và xây dựng khởi sắc với giá trị tăng thêm tăng 7,51%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67% cùng với ngành xây dựng tăng 7,34% đã lấy lại vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Khu vực dịch vụ đã lấy lại được vai trò dẫn dắt tăng trưởng với tốc độ tăng đạt 6,64%, cao hơn 0,31 điểm phần trăm của 6 tháng đầu năm 2023. Tuy vậy, một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực này như: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức tăng thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2023.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, vượt xa mức tăng 3,72% trong 6 tháng đầu năm 2023. Đây là tín hiệu phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, tiềm ẩn rủi ro.

Tuy nhiên, tổng cầu tiêu dùng trong nước và thế giới từ đầu năm đến nay phục hồi còn chậm; doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khả năng tài chính hạn hẹp là nguyên nhân chủ yếu khiến số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn mức cao, gần xấp xỉ với số doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Trong 6 tháng có 119.612 doanh nghiệp ra nhập thị trường, có 110.316 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Bình quân một tháng trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 19.935 doanh nghiệp gia nhập thị trường, đồng thời cũng có 18.386 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đối với nền kinh tế, số doanh nghiệp gần như không thay đổi nhưng năng lực sản xuất kinh doanh bị suy giảm.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và chính phủ tăng 5,78%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá so sánh chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%). Điều này phản ánh khó khăn của các hộ gia đình khi việc làm và thu nhập vẫn bị ảnh hưởng do sự phục hồi chậm và yếu của nền kinh tế; tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính còn cao, phải thắt chặt chi tiêu.

Tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và USD đã biến động khó lường. Trong hai tuần cuối tháng 6/2024, chỉ số USD Index trên thị trường quốc tế có xu hướng mạnh lên đạt mức 105,65 điểm. Thêm nữa, tỷ giá hối đoái có thể gia tăng thêm trong quý III năm nay khi cán cân thương mại đang nghiêng về nhập siêu để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu vào cuối năm. Tuy vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất sẽ giảm áp lực và mức tăng tỷ giá giữa VNĐ và USD.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có các giải pháp ứng phó, linh hoạt trước các vấn đề phát sinh, điều hành tỷ giá hối đoái phù hợp; với sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội. Đặc biệt, với sự năng động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh là những yếu tố cơ bản dẫn tới kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 phục hồi tích cực qua từng tháng.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 1,4% so với tháng 12/2023, tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2024 được kiểm soát ở mức 4,08%.

Thế mạnh của nền kinh tế đã biến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, là điểm đến đáng để đầu tư. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?

Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cải cách và hoàn thiện thể chế, dỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh và đầu tư. Đặc biệt, Chính phủ đã nới lỏng quy định và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết, giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư, cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư không giới hạn vào trái phiếu Chính phủ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn FDI giải ngân đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2%, tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm gần đây, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết tại thị trường Việt Nam; đồng thời phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế. Điểm đáng chú ý về vốn FDI tại Việt Nam trong 6 tháng là số dự án mới và số vốn mới đăng ký rất cao. Trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước có 1.538 dự án được cấp phép, tăng 18,9% với số vốn đăng ký đạt 9,54 tỷ USD, tăng 46,9%.

Đây là tín hiệu tốt, chúng ta kỳ vọng lượng vốn đăng ký mới này sẽ sớm được giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Theo ông, việc Việt Nam phát huy vai trò của nền kinh tế kết nối đã thúc đẩy động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu trong 6 tháng qua?

Trong những năm qua, Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới, đã ký và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do với hơn 60 đối tác, phủ khắp các châu lục, đưa mức độ tự do hóa tiếp cận thị trường của Việt Nam ngang hàng với Singapore.

Trên góc độ thương mại và đầu tư quốc tế, Việt Nam không có đối thủ về quan hệ đối tác và mức độ cởi mở trong tiếp cận thị trường. Kinh tế Việt Nam ngày càng khẳng định và củng cố vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các Tập đoàn đa quốc gia.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam với xuất siêu đạt 11,63 tỷ USD, phản ánh vai trò, vị thế của kinh tế Việt Nam trong thương mại quốc tế và năng lực của nền kinh tế trong việc củng cố và thúc đẩy động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Caseamex, Khu công nghiệp Trà Nóc. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Điều này đã góp phần giữ vững ổn định vĩ mô thông qua gia tăng nguồn lực ngoại tệ trong bối cảnh giá trị đồng USD tăng, tạo thêm dư địa để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Bức tranh xuất, nhập khẩu hàng hoá trong 6 tháng đầu năm có sắc màu tươi mới đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của khu vực kinh tế trong nước đạt 20,6%, cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 12,3% của khu vực FDI. Tuy vậy tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chỉ chiếm 28,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế. Xuất, nhập khẩu hàng hoá vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI.

Tiếp theo thành tích và dấu ấn của năm trước, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả, nông sản tăng 28,2% và gạo tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống là thế mạnh của Việt Nam đã chấm dứt đà suy giảm, tăng trưởng cao trở lại phản ánh sản xuất của nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng cầu đầu tư của nền kinh tế đã khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tích luỹ tài sản phản ánh năng lực và triển vọng phát triển sản xuất của nền kinh tế tăng 6,72%, cao hơn 5,57 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 31,68 tỷ USD/tháng. Nếu duy trì được mức xuất khẩu này trong nửa cuối năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm nay ước đạt 380,16 tỷ USD, vượt mốc lịch sử 371,82 tỷ USD của năm 2022.

Ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 28% kế hoạch năm, thấp hơn 0,63 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ giải ngân chững lại trước thực tế kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 chỉ bằng 95% kế hoạch của năm 2023. Ông có thể cho biết một số giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới?

Đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy vậy, giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang phải đối mặt với nhiều vướng mắc liên quan tới phân bổ vốn; giải phóng mặt bằng; cơ chế chính sách giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương; biến động giá và khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu cho thi công; một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm....

Ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 28% kế hoạch năm, thấp hơn 0,63 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ giải ngân chững lại trước thực tế kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 chỉ bằng 95% kế hoạch của năm 2023.

Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đặc biệt mục tiêu tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát, tôi cho  rằng, Chính phủ cần tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp như:

Một là, tổng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước chiếm trên 70% GDP của nền kinh tế. Để thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, tạo cơ sở tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước trong thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với thời hạn dài hơn, tỷ lệ cao hơn 2%; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút du lịch nước ngoài; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, tạo an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, nâng cao mức sống.

Hai là, cùng với thúc đẩy đầu tư công, thu hút vốn FDI, Chính phủ và các địa phương cần phục hồi và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước bằng các cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù trong bối cảnh khu vực ngoài nhà nước có hạn chế rất lớn về nguồn vốn; kỹ năng quản trị, hội nhập; năng lực và kinh nghiệm quản lý; nguồn nhân lực có kiến thức và tay nghề. Chính phủ cần kích hoạt lại, khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn.

Ba là, với vai trò quan trọng và ngày càng được củng cố của kinh tế nước ta trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các Tập đoàn đa quốc gia. Chính phủ cần có giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, công nghệ, thông tin và logistics đồng bộ.

Ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh là xu hướng tất yếu, làm thay đổi rất nhanh cấu trúc kinh tế thế giới; cùng với đó, chuỗi cung ứng toàn cầu được sắp xếp lại. Chính phủ cần nắm bắt thời cơ, khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển cho từng động lực tăng trưởng mới, với các giải pháp toàn diện, đồng bộ với chính sách và cơ chế nổi trội, đi trước một bước.

Để phát huy tối đa lợi thế của nền kinh tế kết nối, Chính phủ cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất, nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu; đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức (thực hiện)
Tổng cục Thống kê dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 trong ngưỡng Quốc hội đề ra
Tổng cục Thống kê dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 trong ngưỡng Quốc hội đề ra

Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5% là ngưỡng Quốc hội đề ra, tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN