Theo Bộ Xây dựng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 là thực sự cần thiết và cấp bách. Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 25/5/2016 nhằm cụ thể hóa quy định tại Điều 4 Luật quy hoạch đô thị năm 2009 được sửa đổi bổ sung tại Điều 140 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 1210, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận 5 đô thị loại I, 12 đô thị loại II; Bộ Xây dựng theo thẩm quyền đã ban hành quyết định công nhận đối với 20 đô thị loại III và 33 đô thị loại IV. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 197 đô thị loại V.
Giai đoạn 2016 - 2021, Bộ Xây dựng đã phối hợp Bộ Nội vụ, thẩm định trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết nghị thành lập 5 thành phố, 14 thị xã và 144 phường; phối hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị và nông thôn. Tính đến tháng 6/2022, cả nước có 883 đô thị; trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV và 686 đô thị loại V.
Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị được ban hành đã trở thành công cụ quản lý quan trọng để đánh giá chất lượng đô thị; phân loại đô thị đã trở thành một trong các cơ sở để lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị; quản lý, đầu tư phát triển đô thị; xây dựng điều chỉnh cơ chế chính sách quản lý, đầu tư phát triển đô thị, thành lập đơn vị hành chính đô thị.
Qua đó, đã phát huy tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và kiến trúc cảnh quan. Diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, một số quy định trong Nghị quyết số 1210 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị quy định trong Nghị quyết số 1210 chưa xem xét đến đặc điểm vùng miền, yếu tố đặc thù; không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hoặc quy định mới, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành mới được ban hành - Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận xét.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 1210 chưa có quy định cụ thể để thể chế hóa quy định, chỉ đạo của Đảng được ban hành tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Nghị quyết khác có liên quan.
Cùng đó, chưa có quy định về việc áp dụng đánh giá phân loại đối với đô thị có tính chất đặc thù như đô thị được định hướng phát triển bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa địa phương; chưa cụ thể hóa chính sách khuyến khích phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Việc áp dụng quy định pháp luật còn có những điểm cần được rà soát, quy định cụ thể để thống nhất cách hiểu và áp dụng trong thực tế. Việc kiểm tra, giám sát sau công nhận loại đô thị, theo dõi đánh giá khả năng khắc phục các tiêu chí còn yếu và thiếu; việc quản lý chất lượng đô thị sau sắp xếp đơn vị hành chính đô thị chưa được quy định cụ thể...
Đáng chú ý, mối quan hệ giữa phân loại đô thị và công nhận đơn vị hành chính đô thị tương đương còn chưa cụ thể, đồng bộ, nhất là đối với trường hợp phạm vi thành lập đơn vị hành chính đô thị khác với phạm vi phân loại đô thị. Trình tự thực hiện, thẩm quyền đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập quận, phường cũng chưa được quy định rõ ràng - Bộ Xây dựng nêu rõ.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 là thực sự cần thiết và cấp bách. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 được xây dựng được căn cứ vào các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận, khoa học, kinh nghiệm quốc tế và cơ sở thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng dẫn chứng, hiện nhiều quốc gia đều có quy định về phân loại đô thị và sử dụng định nghĩa về đô thị, hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị khác nhau. Tuy nhiên, tiêu chí cốt lõi nhất được sử dụng để đánh giá phân loại đô thị vẫn là tiêu chí tập trung đánh giá về dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.
Do đó, Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các kết quả quá trình nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận và thực tiễn từ những nghiên cứu đầu tiên của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, được liên tục nghiên cứu, hoàn thiện và đã được thể chế hóa trong các quy định về phân loại đô thị đã được ban hành trong những giai đoạn trước đây.
Bộ Xây dựng cho biết, quan điểm của dự thảo Nghị quyết 1210 sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) về phân loại đô thị và mối quan hệ giữa phân loại đô thị, thành lập đơn vị hành chính đô thị và sắp xếp các đơn vị hành chính; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất pháp luật về quy hoạch, phân loại đô thị, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Từ đó, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả của việc phân loại đô thị; xác lập cơ sở cho việc đánh giá chất lượng đô thị theo các giai đoạn phát triển; tổ chức, sắp xếp và phát triển hệ thống đô thị cả nước; phản ánh đúng trình độ phát triển đô thị, đô thị hóa, làm căn cứ cho khâu quy hoạch, quản lý, hoạch định chính sách phát triển đô thị; thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng và điều kiện sống đô thị; phân loại đơn vị hành chính; thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính đô thị.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết số 1210 sửa đổi đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn; sửa đổi quy định không còn phù hợp, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; bổ sung quy định để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn đã được xác định trong quá trình tổng kết; sửa đổi bổ sung nội dung đã đạt được sự thống nhất, đồng thuận cao, những vấn đề chưa rõ, cần có thời gian kiểm nghiệm, đánh giá tác động sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất khi đủ điều kiện...
Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân loại đô thị; xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị, quy trình, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt đề án và các báo cáo phân loại đô thị.
quyền, trách nhiệm của cơ quan Trung ương, cấp chính quyền địa phương trong việc phân loại đô thị, kiểm tra, giám sát sau công nhận loại đô thị, theo dõi đánh giá khả năng khắc phục các tiêu chí còn yếu, còn thiếu cũng được xác định rõ để việc quản lý chất lượng đô thị sau sắp xếp đơn vị hành chính đô thị phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và văn bản pháp luật có liên quan còn hiệu lực thi hành.
Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về mục đích phân loại đô thị; quy định bổ sung nguyên tắc về việc phân loại đô thị được thực hiện trên cơ sở đặc điểm vùng miền và yếu tố đặc thù; phạm vi đánh giá, phân loại đô thị được công nhận phải đúng với phạm vi dự kiến hình thành đơn vị hành chính đô thị.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định như: phân loại đô thị áp dụng vùng miền và đặc thù; cách tính điểm với việc quy định cụ thể; hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị và rà soát, đánh giá phân loại đô thị; trách nhiệm quản lý, kiểm tra khâu phân loại đô thị và sau khi được công nhận loại đô thị; tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị..