Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Tổ công tác đã phối hợp với Hội đồng Khoa học Hợp tác xã Nông nghiệp số hoàn thiện xây dựng khung Hệ thống điều hành cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản khu vực phía Bắc.
Để phát huy nguồn lực chung và tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Sở Công Thương Hà Nội thống nhất các cơ sở dữ liệu từ địa phương, xây dựng một hệ thống chung điều hành thống nhất.
Đến hết ngày 26/8, đã có 23/31 địa phương phía Bắc cử đầu mối phối hợp với Tổ công tác và cung cấp danh sách 2.093 các đầu mối cung ứng nông sản nhập vào cơ sở dữ liệu của Tổ công tác. Cụ thể, lúa gạo 181 đầu mối; rau củ quả 436; thịt, trứng gia cầm 505; thủy hải sản 819; sản phẩm chế biến đông lạnh 97; thực phẩm tổng hợp 55 đầu mối.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhiều địa phương cung cấp thông tin đề nghị Tổ công tác hỗ trợ giới thiệu tiêu thụ các mặt hàng với số lượng cụ thể. Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã phối hợp, cung cấp thông tin và giới thiệu các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu thu mua, phân phối, tiêu thụ hàng hóa nông sản trong điều kiện dịch bệnh.
Hoạt động sản xuất tại các địa phương phía Bắc nhìn chung diễn ra theo đúng kế hoạch mùa vụ. Khả năng cung ứng của các tỉnh phía Bắc đều đáp ứng nhu cầu lương thực của địa phương và cung cấp cho các địa phương khác. Riêng Hà Nội tự sản xuất chỉ đạt 56.338 tấn/tháng, đáp ứng 65,6% nhu cầu và cần cung cấp từ các địa phương khác là 36.632 tấn/tháng.
Về rau, củ, quả, một số tỉnh phía Bắc đang chuẩn bị và bước vào gieo trồng rau vụ Đông. Nhìn chung sản lượng rau, quả sản xuất của các địa phương đủ đáp ứng nhu cầu nội tỉnh, cung cấp cho các tỉnh thành khác và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện Nam bộ đang có trên 9 triệu con gà trắng gặp khó trong tiêu thụ; trong đó, khoảng 50% đã có trọng lượng trên 3kg/con. Như vậy, người chăn nuôi đã phải nuôi vượt so với bình thường. Trước tình trạng này, hầu hết các đơn vị không sản xuất gà giống công nghiệp trắng.
"Chăn nuôi nông hộ càng khó tiêu thụ do chưa vào chuỗi, khó về vốn nuôi duy trì. Nhiều doanh nghiệp mong muốn vay vốn mà chăn nuôi là loại rủi ro cao nên khó vay. Gia cầm sản xuất quay vòng nhanh nên không đáng lo ngại", ông Nguyễn Văn Trọng cho biết.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu, “tư lệnh” các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản cần tính toán kỹ sản lượng, khả năng cung ứng trong dịch và đặc biệt sau dịch - khi không phải thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, cuối năm. Đặc biệt, lĩnh vực chăn nuôi cần tính toán kỹ việc quay vòng sản xuất, khả năng đáp ứng sản lượng.
Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Tổ công tác dự kiến sẽ làm việc trực tuyến với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bàn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp; với Hiệp hội dịch vụ Logistic Việt Nam và các doanh nghiệp logistic để tháo gỡ các vấn đề trong vận chuyển, lưu thông nông sản trong đầu tháng 9.