Thu giữ hàng hoá vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại đối với Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ Hoàng Long Việt vì có hành vi vi phạm, trong đó có kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ảnh: Huỳnh Kim Phượng/TTXVN |
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), tính đến tháng 9/2016, cả nước có 50 doanh nghiệp đủ giấy phép hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm, các công ty bán hàng đa cấp đạt tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 452 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong số này thì doanh thu của khối có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần), doanh thu của khối doanh nghiệp trong nước khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần). Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện có 500.000 người, giảm 57% so với hơn 1,1 triệu người của cùng kỳ năm 2015.
Ông Trịnh Anh Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 về Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên lãnh thổ Việt Nam có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014, nghĩa là cách đây hơn 2 năm nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập khiến loại hình kinh doanh này đang bị biến tướng tại Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận. Điều này thể hiện qua việc đã có ít nhất 9 doanh nghiệp bị Cục Quản lý Cạnh tranh rút giấy phép hoạt động và bị xử phạt với số tiền lên đến gần chục tỷ đồng.
Cùng với đó, ngày 9/3/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02 về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong bán hàng đa cấp. Qua đó rà soát những quy định còn bất cập để sửa đổi Nghị định 42 theo hướng siết chặt hơn nữa loại hình kinh doanh này để trình chính phủ thông qua.
Tuy vậy, hầu hết các mức xử phạt quy định tại Nghị định 42 chưa đủ sức răn đe. Chính vì thế, Nghị định sửa đổi đang được các đơn vị chức năng Bộ Công Thương soạn thảo theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đồng thời siết chặt hơn nữa các hoạt động bán hàng đa cấp.
Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, 6 tháng đầu năm các Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả cho thấy 26 doanh nghiệp trên tổng số 48 công ty nằm trong diện kiểm tra có dấu hiệu vi phạm và bị xử phạt với số tiền lên tới gần 4,5 tỷ đồng. Đặc biệt là các vi phạm phổ biến gồm không đăng ký hoạt động, tự ý thay đổi hồ sơ, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo mạng lưới quy mô lớn mà không thông báo nên Sở Công Thương đã xử phạt số tiền hơn 600 triệu đồng.
Đại diện cho Sở Công Thương, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: Mặc dù các doanh nghiệp đã thực hiện khá đầy đủ nghĩa vụ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nhưng việc quy định doanh nghiệp không cần có chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh tại địa phương đang gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác giám sát, quản lý, thanh tra và kiểm tra.
Bên cạnh đó, với đặc điểm là người tham gia/nhà phân phối đến tận địa chỉ của khách hàng để tư vấn nên rất khó kiểm soát về nội dung và càng khó thu thập được chứng cứ để xử phạt người tham gia trong trường hợp người tham gia đó nói sai, nói quá về công dụng của sản phẩm cũng như lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp để dụ dỗ khách hàng mua hàng hoặc tham gia vào mạng lưới do mình xây dựng.
Hơn nữa, các đối tượng này thường xuyên thay đổi phương thức để lôi kéo người tham gia nên dù các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt nhưng một số cá nhân/tổ chức đã chuyển sang các hình thức khác để tiếp tục huy động tài chính, kêu gọi góp vốn đầu tư nhưng thực tế toàn dự án ảo.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường cho biết, tính từ năm 2015 đến nay Cục này đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền phạt là gần 5 tỷ đồng.
Theo ông Tín, các hành vi vi phạm của các công ty bán hàng đa cấp hầu hết là không thông báo các cơ quan quản lý khi sửa đổi giấy chứng nhận bán hàng đa cấp, khi thay đổi hồ sơ không thông báo, không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước khi thực hiện hoạt động khuyến mại; không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tham gia mạng lưới; tổ chức hội nghị, hội thảo không đúng nội dung thông báo....
Vì vậy, việc kiểm tra, xử lý các công ty này trở nên rất khó khăn do nhiều công ty có địa chỉ ảo, tổ chức bán hàng lén lút, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Do đó, Bộ sớm hoàn thành các quy định quản lý bán hàng đa cấp chặt chẽ hơn, cùng với việc tăng cường kiểm tra kiểm soát, thanh tra các doanh nghiệp này trên toàn quốc.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Dù không phải công ty đa cấp nào cũng vi phạm và đổ vỡ nhưng với quy mô số người tham gia bán hàng đa cấp lên tới 1,2 triệu người cũng sẽ có tác động rất lớn đến đời sống người tham gia và cả người tiêu dùng.
Ngoài xã hội đã xảy ra nhiều hiện tượng bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng hình thức này để lừa đảo, huy động tài chính, thậm chí các hình thức biến tướng khác… Do vậy, nếu không kịp thời nghe ý kiến từ dư luận, xã hội, tăng cường biện pháp quản lý thì chắc chắn nguy cơ rất lớn, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và gây bất ổn xã hội.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ngay sau khi có Chỉ thị 02, vấn đề đặt ra là quản lý Nhà nước thế nào để đáp ứng yêu cầu quản lý. Hiện nay, hầu hết các đơn vị liên quan đều đặt nặng vấn đề về số lượng đi kiểm tra, xử lý nhưng quan trọng là phải có cái nhìn toàn diện, tổng thể chứ chưa có cái nhìn toàn diện về vai trò của Bộ Công Thương trong phân cấp quản lý cũng như vai trò của các cơ quan quản lý ở địa phương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, mặc dù Cục Quản lý Cạnh tranh đưa ra rất nhiều kiến nghị nhưng về khung khổ pháp lý trong khi Nghị định 42 còn rất sơ sài, chưa rõ sửa nội dung gì, qui định nào. Bên cạnh đó, thông tin cung cấp các đối tượng vi phạm, website là không đủ, cần phải có vai trò của chính quyền địa phương.
Bàn về giải pháp xử lý các hành vi bán hàng đa cấp trái phép, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, nếu chỉ tăng cường thanh tra, kiểm tra thì sẽ không bao giờ đủ nguồn lực để thực hiện mà cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Do đó, tới đây Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các văn bản, chính sách quản lý và trong thời gian đó, phải siết chặt, hạn chế cấp phép mới bán hàng đa cấp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý về tính chất của bán hàng đa cấp rất phức tạp, khó kiểm soát, nguy cơ trục lợi rất lớn nếu không có khung chính sách quản lý chặt chẽ. Vì thế, phải tính đến sửa những nội dung cơ bản của Nghị định 42/CP; những bất cập lớn trong quy định về địa điểm, nơi đặt trụ sở...các công ty bán hàng đa cấp.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý hoạt động Bán hàng đa cấp để trình Chính phủ thông qua.