9 bị cáo trong đường dây đa cấp xuyên quốc gia lĩnh án tù

Lâm Phúc Hùng và các đồng phạm đã “vẽ” ra gói sản phẩm đặt phòng du lịch ở các khách sạn trên toàn thế giới dưới hình thức kinh doanh đa cấp trên mạng Internet.

Sau 3 tuần mở phiên tòa xét xử, chiều 8/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử sơ thẩm 9 bị cáo trong đường dây kinh doanh thương mại điện tử đa cấp xuyên quốc gia đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn bị hại.

Cầm đầu đường dây này là bị cáo Lâm Phúc Hùng (sinh năm 1959, trú ở tập thể Đại học Công đoàn, phường Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) cùng 8 đồng phạm: Nguyễn Thị Bắc (sinh năm 1959, trú ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội), Phạm Hồng Thanh (sinh năm 1967, ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội), Nguyễn Thị Ái Dân (sinh năm 1954, trú phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Phạm Thị Thủy (sinh năm 1973, ở phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội), Đỗ Trang Đoan (sinh năm 1976, trú phường Khương Thượng, quận Đống Đa), Bùi Đức Cường (sinh năm 1985, ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình), Lê Hữu Thinh (sinh năm 1976, trú phường Ngọc Thụy, quận Long Biên và Lê Văn Trọng (sinh năm 1974, ở xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cùng bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 226b- Bộ luật Hình sự.

Lâm Phúc Hùng nguyên là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Diamond Holiday Đông Nam Á. Nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền, Lâm Phúc Hùng và các đồng phạm đã “vẽ” ra gói sản phẩm đặt phòng du lịch 4 ngày 3 đêm ở các khách sạn từ 3 đến 5 sao hoặc khu resort trên toàn thế giới (325 USD/gói) với hình thức kinh doanh đa cấp trên mạng Internet. Trong 2 năm, từ tháng 2/2010 đến đầu năm 2012, Hùng cùng đồng bọn đã chiếm đoạt gần 80 tỷ đồng, tương ứng hơn 10.800 bị hại. Tuy nhiên, vào thời điểm vụ án được đưa ra xét xử, các cơ quan tố tụng mới chỉ làm rõ được hơn 2.000 bị hại.

Cáo trạng truy tố nêu rõ: Đầu tháng 2/2010, trong một lần truy cập mạng Internet, Hùng tình cờ phát hiện ra trang Website: Usdiamondholyday.com của DHT (trang mạng nước ngoài) kinh doanh thương mại điện tử đa cấp bằng gói sản phẩm đặt phòng du lịch 4 ngày 3 đêm ở các khách sạn từ 3 đến 5 sao hoặc khu Resorts trên toàn thế giới với giá 325 USD/1 mã số ID (dành cho 2 người/phòng).


Ngay sau đó, Hùng copy toàn bộ nội dung quảng cáo này, rồi đưa Phạm Hồng Thanh dịch ra tiếng Việt. Tiếp đến ngày 6/2/2010, Hùng và Thanh rủ Phạm Thị Thủy (khi ấy là Trưởng phòng vé của Công ty Newtatco) đặt mua thử gói dịch vụ này từ một người trong hệ thống DHT. Thủy đồng ý và nhanh chóng chuyển 1.000 USD ra nước ngoài để mua Evochers (Code), tạo mã ID và hệ thống thành viên của DHT. Thủy, Hùng và Thanh trở thành những người đầu tiên tại Việt Nam gia nhập đường dây kinh doanh thương mại điện tử đa cấp, trong hệ thống DHT với các tên mã ID lần lượt là “thuyvn”, “hung68” và “david 688”.


Từ sự khởi đầu trên, Thủy, Hùng, Thanh dần lôi kéo nhiều người tham gia và sau đó cho ra đời Câu lạc bộ Du khách do Hùng làm chủ nhiệm. Để phát triển kinh doanh thương mại điện tử đa cấp bất hợp pháp, Hùng tuyển thêm người làm thủ quỹ cho câu lạc bộ và Bùi Đức Cường làm nhân viên kỹ thuật.


Cả ba đã sang Hồng Kông (Trung Quốc) gặp đối tượng tên là Hsueh Cho-Ting (tức Andy Hsu, là người quản lý DHT) để học hỏi thêm phương thức, thủ đoạn cũng như tỷ lệ ăn chia tiền chiếm đoạt được của bị hại. Tại đây, Hùng, Thanh, Thủy được chỉ dẫn và cho phép chuyển 100.000 USD tiền “ảo” vào E-wallet (ví điện tử) của hệ thống DHT gắn với mã số ID “thuyvn”. Từ “mồi nhử” này, câu lạc bộ Du khách do Hùng cầm đầu sẽ thu hút được mọi người tham gia và sẽ dùng tiền “ảo” trong ví điện tử để trả thưởng cho những người mới, khi họ gia nhập vào mạng lưới kinh doanh thương mại điện tử đa cấp.


Thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng nhanh chóng soạn thảo hàng loạt tài liệu quảng cáo, vận động mọi người tham gia mua gói dịch vụ đặt phòng du lịch, thông qua câu lạc bộ Du khách. Cụ thể, nếu muốn tham gia mua gói dịch vụ đặt phòng du lịch 4 ngày 3 đêm tại các khách sạn từ 3 đến 5 sao trên toàn thế giới của DHT thì khách hàng phải nộp vào hệ thống 340 USD.


Khi ấy, khách hàng sẽ được cấp một mã số ID để phát triển kinh doanh thương mại điện tử trên mạng Internet và một người có thể sở hữu nhiều mã kinh doanh. Hùng và đồng bọn còn “mồi chài” người tham gia mạng lưới đa cấp bằng một khoản tiền hoa hồng rất hậu hĩnh.


Khi nộp tiền thật cho bọn chúng, khách hàng sẽ được xếp vào 1 bàn Du khách (bàn vàng). Khi bàn này đủ 15 người tham gia thì bàn trưởng (người lôi kéo thêm được 14 người tiếp theo) sẽ được thưởng 1.000 USD trong ví điện tử, gắn với mã ID. Ngoài ra, bàn trưởng bàn vàng sẽ tiếp tục được chuyển sang bàn kim cương (bàn đỏ). Và khi bàn đỏ hội đủ 64 người là bàn trưởng bàn vàng thì trưởng bàn kim cương lại được “bật ra” để tham gia hỗ trợ các bàn đỏ khác với số tiền thưởng là 15.000 USD. Tuy nhiên trong số tiền ấy, Hùng cùng đồng bọn chỉ trích ra 5.000 USD để cho họ đi du lịch, còn 10.000 USD phải để trong ví điện tử.


Tương tự, những người ở bàn vàng còn lại tại thời điểm bàn trưởng chuyển lên bàn kim cương sẽ được tách ra thành 2 bàn vàng khác nhau để lôi kéo đủ 15 người tham gia mỗi bàn thì sẽ được nâng vị thế và nhận tiền thưởng “ảo”.


Quá trình điều tra cho thấy, các tổ chức cũng như công ty do Lâm Phúc Hùng đứng đầu hoặc tham gia liên kết, điều hành đều không có chức năng và được phép kinh doanh lữ hành, thương mại điện tử hay kinh doanh bằng hình thức đa cấp.


Đối với trang website: Usdiamondholyday.com của DHT do Hsueh Cho-Ting (quốc tịch Trung Quốc) điều hành không phải là trang mạng chính thống và bản thân đối tượng này cũng từng bị xét xử về các tội “Lừa đảo”, “Làm giả chứng từ” và tội “Giam giữ người trái phép”.


Tại phiên tòa, bị cáo Lâm Phúc Hùng gửi lời xin lỗi tới tất cả các bị hại trong vụ án và bày tỏ: “Cho dù tôi chỉ là một khách hàng của DHT và cũng chỉ gián tiếp gây ra hậu quả nhưng tôi xin hoàn toàn nhận trách nhiệm”. Bị cáo Hùng mong muốn Tòa xem xét tội của bị cáo đến đâu thì xử phạt bị cáo tới đó.


Bị cáo Nguyễn Thị Bắc (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Thượng Hải) cho rằng: hậu quả pháp lý của bị cáo hiện nay chỉ là một sự không may khi đi tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Còn bị cáo Phạm Thị Thủy thì cho rằng bị cáo vô tội.


Số các bị cáo còn lại đều trực tiếp hoặc gián tiếp thừa nhận hành vi tội phạm bị đưa ra truy tố. Những bị cáo này cho rằng bản thân thiếu hiểu biết pháp luật, bồng bột, lựa chọn sai đối tác hoặc chỉ là người làm công ăn lương. Trên cơ sở đó, các bị cáo này đề nghị Tòa án Hà Nội xem xét kỹ vai trò, mức độ phạm tội của từng người và cho hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.


Sau khi xem xét toàn diện vụ án, Tòa đã tuyên phạt bị cáo Hùng lĩnh án 14 năm tù, bị cáo Bắc 13 năm tù, Thanh 10 năm tù, Dân 9 năm tù, Thủy 7 năm tù, Đoan 36 tháng tù treo, Cường 3 năm 1 tháng 13 ngày tù , Thinh 3 năm 1 tháng 13 ngày tù, Trọng 30 tháng tù treo.


Kim Anh (TTXVN)
Bắt tạm giam Phó TGĐ công ty đa cấp chiếm đoạt 300 tỷ đồng
Bắt tạm giam Phó TGĐ công ty đa cấp chiếm đoạt 300 tỷ đồng

Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868 để điều tra tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN