Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Hoa Kỳ là thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng nhưng vô cùng khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải nâng cao năng lực, chủ động hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng mới có thể thành công khi xuất khẩu.
Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) đánh giá, Hoa Kỳ là nơi có cơ chế thị trường cao nhất, những biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá,… được áp dụng rất khắt khe nên các doanh nghiệp Việt Nam phải trưởng thành hơn nữa để có thể đưa sản phẩm vào thị trường này.
Theo ông Trần Quốc Mạnh, đồ gỗ là một trong 5 mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ, nên doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường này phải đảm bảo cả hai yếu tố: năng suất và chất lượng đạt đến độ tinh xảo.
Ngoài ra, đơn hàng của Hoa Kỳ đối với đồ gỗ thường rất lớn, trung bình từ 100 đến vài trăm container/tháng. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải mở rộng quy mô, tự động hóa dây chuyền sản xuất mới có thể đảm bảo chất lượng và số lượng cung ứng.
Nhận định thêm về thị trường này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những thay đổi trong chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam khiến cho việc duy trì mức kim ngạch hiện tại, hay thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ trở thành bài toán không dễ tìm ra lời giải đáp thỏa đáng.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương hoan nghênh và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, qua đó mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình này.
Đánh giá cao hợp tác quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, ông James W. Fatheree - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Hoa Kỳ, phụ trách khu vực châu Á cho hay, cộng đồng doanh nghiệp nước này rất quan tâm đến thị trường Việt Nam vì các yếu tố dân số, tốc độ tăng trưởng, các tiến bộ trong cải cách kinh tế.
Đáng lưu ý, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong đó, lợi thế về cải cách thể chế chính trị, nguồn nhân lực cũng như điều kiện thủ tục đang từng bước thay đổi là cơ sở tốt để doanh nghiệp hai bên bổ sung, tạo lợi thế tốt cho nhau trong quá trình hợp tác.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay về cơ cấu xuất nhập khẩu, nhìn chung chưa có gì thay đổi. Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nông sản… Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện, bông các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, đậu tương, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Các chuyên gia thương mại khuyến cáo, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới. Một số ngành hàng như thủy, hải sản, nông sản thực phẩm, các quy định, quy chuẩn khắt khe đối sản phẩm nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giảm lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, về lâu dài đây lại là yếu tố thúc đẩy phát triển bền vững nếu biết chủ động thích nghi, kiên trì giữ thị trường, thực hiện nghiêm các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, sự chuyển hướng sang các thị trường dễ tính chỉ là giải pháp nhất thời, không mang tính bền vững, lâu dài; nhất là đối với những doanh nghiệp đã tạo được chỗ đứng trên thị trường Hoa Kỳ.
Các chuyên gia cho rằng, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ cần có những chỉ đạo để giảm thiểu chi phí hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại.
Đặc biệt, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nên xác định đối tượng hỗ trợ là những doanh nghiệp có đủ năng lực thích ứng với thị trường, duy trì quan hệ đối tác, có trách nhiệm với môi trường và xã hội, xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển bền vững.
Ngoài ra, cần nắm bắt nhanh, kịp thời những thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ để có những giải pháp thích hợp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, chiến lược kinh doanh nhằm duy trì ưu thế xuất khẩu vào thị trường này.
Mặt khác, Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa tiến trình xây dựng hệ thống pháp lý công bằng, minh bạch. Đây là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển.