Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là một trong năm nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, trong đó 95% sản lượng xuất khẩu đến từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tình hình sản xuất gạo trong khu vực đang gặp phải nhiều thách thức do các điều kiện khí hậu khắc nghiệt như hạn hán, lượng mưa thay đổi dẫn đến sản lượng giảm sút, ảnh hưởng tới sinh kế của nông dân trồng lúa.
Đối với ngành cà phê, Việt Nam hiện xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới với thị phần chiếm 14,2%. Trong đó, 94,8% sản lượng cà phê của Việt Nam được sản xuất tại khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, giống như nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, sản xuất cà phê phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đặc thù về địa hình nên khu vực Tây Nguyên đang gặp phải không ít khó khăn, nhất là tình trạng khô hạn kéo dài, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân.
Để hỗ trợ nông dân ứng phó với rủi ro thời tiết, bảo hiểm chỉ số thời tiết ra đời giúp cho nông dân trồng lúa và cà phê hạn chế những thiệt hại do thời tiết gây ra. So với các nước trên thế giới, bảo hiểm chỉ số thời tiết cho nông dân không còn xa lạ và được ứng dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp. Tại Việt Nam, đây là một trong những giải pháp bảo hiểm nông nghiệp mới lần đầu tiên được triển khai thực hiện từ cuối tháng 11/2022, do Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI), Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH) hợp tác với Công ty công nghệ bảo hiểm (insurtech) Igloo và Công ty tái bảo hiểm quốc tế SCOR thực hiện.
Đây là giải pháp bảo hiểm dựa trên công nghệ Blockchain, có khả năng tự động hóa việc giải quyết yêu cầu bảo hiểm của nông dân trồng lúa, trồng cà phê; thậm chí, nông dân không cần phải lập hồ sơ yêu cầu bồi thường, không cần chứng minh thiệt hại. Cụ thể, hệ thống công nghệ sẽ liên tục cập nhật các thông tin chỉ số thời tiết, lượng mưa từ hệ thống dữ liệu của cơ quan khí tượng thủy văn để xác định hợp đồng có được bồi thường hay không; đồng thời tự động tính toán số tiền bồi thường và chi trả trực tiếp đến người dân nhanh chóng. Dữ liệu về lượng mưa được theo dõi và giám sát bởi Tổng cục Khí tượng thuỷ văn.
Dựa trên dữ liệu lượng mưa được thu thập trên, bảo hiểm chỉ số thời tiết sẽ tự động thanh toán các khoản bồi thường dựa trên những giá trị đã được xác định trước cho người dân trong trường hợp xảy ra tổn thất do các sự kiện thời tiết hoặc thiên tai. Khâu giám định bồi thường được loại bỏ sẽ giúp giảm chi phí giao dịch và cho phép nông dân nhận được thanh toán nhanh hơn, thông qua tài khoản ngân hàng chỉ định hoặc tiền mặt tại bưu cục gần nhất. Ngoài ra, việc ứng dụng Blockchain cũng sẽ đảm bảo tính bảo mật, toàn vẹn và quyền riêng tư cho dữ liệu của nông dân; đồng thời cũng đảm bảo tính minh bạch, thống nhất, khách quan, gia tăng mức độ tin cậy.
Ông Nguyễn Hữu Tự Trí, Giám đốc Igloo Việt Nam cho biết, với các dữ liệu thông tin lượng mưa trong 30 năm trở lại đây ở Việt Nam được thu thập, các chuyên gia ở các lĩnh vực liên quan đã thiết kế giải pháp bảo hiểm dựa trên công nghệ Blockchain cho 3 ngưỡng cây lúa có thể thiệt hại khi lượng mưa đạt ở mức độ nào đó. Riêng ngành cà phê, bảo hiểm chỉ số thời tiết kết hợp sử dụng Big Data, cho ra quy trình đánh giá rủi ro theo thời gian thực và quy trình bồi thường tự động vận hành khép kín, giúp loại bỏ hoàn toàn các hạn chế về giá cả, khả năng tiếp cận, thẩm định và chi trả bồi thường của những sản phẩm bảo hiểm truyền thống.
Mức phí bảo hiểm chỉ số thời tiết cho nông dân trồng cà phê hiện nay chỉ từ 1 triệu đồng/ha (diện tích bảo vệ tối thiểu là 0,1 ha) và bảo vệ lên tới 40 triệu đồng/ha. Trong giai đoạn đầu triển khai, sản phẩm sẽ được áp dụng tại năm tỉnh Tây Nguyên bao gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Với nông dân trồng lúa, hiện bảo hiểm mới này đang được triển khai tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và cung cấp các khoản bồi thường tự động cho nông dân trong trường hợp lượng mưa tại đây bị thiếu hụt hoặc cao quá mức trong vòng 5 ngày liên tiếp. Theo đó, gần 6.000 ha lúa của nông dân được bảo vệ, mục tiêu hướng tới bảo vệ cho 50.000 ha trong những mùa vụ sắp tới thông qua sự hợp tác với các doanh nghiệp công - tư. Với mức chi phí 220.000 đồng, nông dân trồng lúa khi bị thiệt hại sẽ được bồi thường tối đa đến 4 triệu đồng.