Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã

Tỉnh Vĩnh Long đang tập trung hỗ trợ các hợp tác xã đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động trong bối cảnh hội nhập, biến đổi khí hậu, dịch bệnh.

Song song đó, tỉnh huy động các nguồn lực để hỗ trợ các mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Chú thích ảnh
Tổ dịch vụ nông nghiệp của Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ Tấn Đạt (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm) đang cắt cỏ trên ruộng lúa hữu cơ (ảnh tư liệu).

Vĩnh Long đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thành lập mới 80 hợp tác xã; giá trị sản xuất bình quân của các hợp tác xã và thu nhâp̣ bình quân của thành viên, người lao động trong hợp tác xã tăng10%/năm. Tỉnh phấn đấu có trên 15% số hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó 50% hợp tác xã có liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. 

Để đạt mục tiêu đề ra, Vĩnh Long đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa; triển khai xây dựng, hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. 

Tỉnh huy động các nguồn lực hiện có, thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án cơ cấu lại ngành, lĩnh vực… để cải thiện năng lực quản trị, sản xuất, giúp hợp tác xã tham gia sâu, bền vững vào chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng hoàn thiện các chính sách hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng quy mô thành viên, chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng về làm việc cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò quan trọng của hợp tác xã; trong đó xác định phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nội hàm của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hiệu quả của hợp tác xã chính là hiệu quả của hộ gia đình và hợp tác xã, giúp phát huy sức mạnh kinh tế hộ, nâng cao đời sống của các hộ thành viên.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Long thành lập mới được 120 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã và giải thể 52 hợp tác xã. Hiện toàn tỉnh có trên 170 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã và 5 quỹ tín dụng nhân dân với trên 9.700 thành viên và trên 8.200 lao động; doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt 550 triệu đồng/năm. Các hợp tác xã từng bước khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong việc hỗ trợ kinh tế hộ, giải quyết việc làm, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh hiện nay là đa phần người dân còn ngại, chưa tin tưởng vào hoạt động của hợp tác xã kiểu mới; nguồn lực bố trí cho kinh tế tập thể còn ít, chưa đủ sức nâng tầm hoạt động lĩnh vực này tại địa phương; số lượng hợp tác xã yếu kém còn khá cao, chiếm trên 16,5% tổng số hợp tác xã toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý điều hành sản xuất kinh doanh của nhiều hội đồng quản trị hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu của kinh tế thị trường; còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; chưa xây dựng, lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Các hợp tác xã ít quan tâm tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm; đa số tập trung bán nhỏ lẻ, các thành viên hợp tác xã chưa tuân thủ hợp đồng, quy trình liên kết, hợp tác, nên chưa tạo được lòng tin đối với các doanh nghiệp.

Tin, ảnh: Phạm Minh Tuấn (TTXVN)
Đẩy mạnh vai trò kết nối tiêu dùng của hợp tác xã
Đẩy mạnh vai trò kết nối tiêu dùng của hợp tác xã

Phát triển kinh tế tập thể; trong đó lấy hợp tác xã làm trọng tâm đang giúp cho người sản xuất tại tỉnh Sóc Trăng gắn kết với nhau, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN