Mục tiêu chính của Đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, từ năm 2015, khi bắt đầu giai đoạn 1 của đề án cho đến nay, với sự đồng hành của các Tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, dệt may, da giày, nội thất... đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp trên toàn thế giới.
Đáng lưu ý, xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững.
Tiếp nối sự thành công của Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”; nhằm tận dụng cơ hội do các FTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam; tiếp tục giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu trong giai đoạn sắp tới; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu của cả nước, ngày 14 tháng 11 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg.
Để triển khai hiệu quả đề án, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của đề án, nhất là các hãng phân phối bán lẻ đang hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.
Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng nhằm lựa chọn đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt để đưa vào hỗ trợ trong hoạt động của đề án.
Mặt khác, nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp. Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu bằng giải pháp tài chính đa dạng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng: trong thời gian tới, các tập đoàn phân phối, các đầu mối thu mua nước ngoài sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh và vai trò đối tác chiến lược của chương trình để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Tạ Hoàng Linh- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay, đến nay, gần 50 bộ ngành, địa phương đã gửi kế hoạch hoạt động và đầu mối phối hợp về Bộ Công Thương. Điều này chứng tỏ qua thời gian, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, các bộ ngành, địa phương về vai trò của kênh phân phối nước ngoài ngày càng sâu sắc. Các kênh phân phối nước ngoài càng được đánh giá cao và được coi là một kênh xuất khẩu, quảng bá thương hiệu và sản phẩm hiệu quả.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, năm 2023, Bộ Công Thương dự kiến phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai một số hoạt động thường niên từ giai đoạn 1. Cụ thể là đưa các Tập đoàn phân phối, đầu mối thu mua về làm việc tại địa phương; tổ chức các khóa đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị giao thương kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và Tập đoàn phân phối nước ngoài theo nhu cầu của từng địa phương.
Bên cạnh đó, tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng trên toàn thế giới; củng cố và mở rộng mạng lưới đối tác, hệ thống phân phối, hệ thống thu mua nước ngoài.
Mặt khác, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam và hệ thống phân phối, hệ thống thu mua nước ngoài trên website của đề án.
Cũng theo ông Tạ Hoàng Linh, ngoài hoạt động thường niên như đã nêu trên, đây là năm đầu tiên triển khai đề án giai đoạn 2, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với hệ thống phân phối, hệ thống thu mua nước ngoài và các bộ, ngành, địa phương tổ chức sự kiện Việt Nam International Sourcing 2023.
Sự kiện này nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam, bảo đảm tăng trường bền vững trong dài hạn. Mặt khác, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài. Đồng thời, quảng bá sâu rộng tới kênh phân phối, nhà nhập khẩu quốc tế về sự phong phú, mẫu mã đa dạng và chất lượng tốt của hàng hóa Việt Nam.
Để hỗ trợ cung cấp thông tin tới doanh nghiệp một cách đầy đủ, thiết thực và hiệu quả nhất, ông Tạ Hoàng Linh hay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Tập đoàn phân phối nước ngoài xây dựng và cập nhật 8 bộ cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam các bước để xuất khẩu vào từng hệ thống phân phối nước ngoài.
Đại diện Tập đoàn Central Retail Việt Nam khẳng định: Tập đoàn đã có mặt ở Việt Nam hơn 10 năm và đã 6 lần đưa doanh nghiệp Việt Nam sang Thái Lan để quảng bá sản phẩm, thương hiệu, văn hóa truyền thống. Qua đó, quảng bá thương hiệu uy tín của Central Retail có kết quả bán hàng tốt, đưa đến Việt Nam chuyên gia nước ngoài làm sáng tỏ khía cạnh pháp lý tiếp cận thị trường quốc tế rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, để xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam phải sẵn sàng về cung cấp, thích ứng, đảm bảo tính liên tục trong thương mại. Central Retail luôn hỗ trợ doanh nghiệp trong hành trình này, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu tại thị trường Thái Lan và các nơi khác.
Theo ông Nguyễn Thành Huân-Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, trong khuôn khổ đề án, Bộ Công Thương, đặc biệt là Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, cơ quan Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Cục Xúc tiến thương mại thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh gắn kết, đưa sản phẩm của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị nước ngoài.
Nổi bật nhất là, sự kiện vào tháng 9/2022, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời trở thành doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh và cả nước, tiên phong chủ động và tự tin bước vào sân chơi quốc tế bằng việc bán gạo mang thương hiệu riêng của Tập đoàn – Cơm Việt Nam Rice - vào Carrefour và Leclerc – 2 hệ thống phân phối hàng đầu với tổng cộng gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị cùng chuỗi cửa hàng tiện tích trên toàn nước Pháp.
Điều này đã đóng góp vào sự tăng trưởng giá trị xuất khẩu mặt hàng gạo của tỉnh so với cùng kỳ tăng 11% và góp phần tích cực cho giá trị xuất khẩu của tỉnh tăng 9% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra trong năm 2022 đạt hơn 1 tỷ USD.
Thông qua đề án, Sở Công Thương tỉnh An Giang cũng thường xuyên tiếp nhận thông tin cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu vào hệ thống phân phối lớn. Cùng đó là thông tin về nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường, chuổi cung ứng của các nước trong khu vực và thế giới, tham gia các chương trình hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với doanh nghiệp và tổ chức xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường tiêu thụ…
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Huân cũng đề xuất được tiếp tục phối hợp với Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại Pháp tổ chức hội nghị đón đoàn siêu thị Pháp vào tỉnh khảo sát, tìm hiểu về tình hình sản xuất, xuất khẩu của tỉnh, kết nối, hợp tác với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng mong muốn làm việc với các tổ chức phân phối, các cơ quan, đơn vị nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu về tình hình sản xuất, xuất khẩu của tỉnh, kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đặc biệt, hỗ trợ Sở Công Thương An Giang thông tin mới nhất về những hoạt động được triển khai cũng như doanh nghiệp tỉnh An Giang được tiếp cận mạng lưới chuyên gia tư vấn xuất khẩu để được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia về thị trường, xuất khẩu, marketing, xây dựng thương hiệu.