Thứ trưởng Đông cho biết, Luật Hỗ trợ DNNVV cũng đã xác định được phạm vi hỗ trợ, nhóm đối tượng hỗ trợ. Theo đó, sẽ hỗ trợ những dịch vụ cơ bản mà DN nào cũng cần và tập trung hỗ trợ cho số đông, số lớn DN. Theo đó, các nội dung hỗ trợ đảm bảo định hướng DN phát triển theo chủ trương phát triển của Chính phủ cũng như của đất nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Cụ thể, gồm có 3 chương trình: Đó là hỗ trợ doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ gia đình; hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, kiến tạo; hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, bám theo những sản phẩm chủ lực, tạo quỹ giá trị bền vững cho sản phẩm đó tồn tại trên thị trường.
Trước băn khoăn về việc hỗ trợ cho 97 - 98% DNNVV sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách nhà nước, ông Đặng Huy Đông khẳng định, không có chuyện mang “tiền tươi” cho một DN cụ thể nào. Với những vấn đề cụ thể, Nhà nước sẽ tạo điều kiện để DN hoặc cá nhân tư vấn về vấn đề đó thu thập thông tin đưa về cơ quan nhà nước, sau đó công bố rộng rãi để DN sử dụng.
Lấy ví dụ về vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), ông Đông cho biết điểm yếu của những hộ nông dân và nhóm DN nhỏ của địa phương là chưa đủ quy mô để xác định nhu cầu, thị hiếu của toàn thị trường, từ đó dẫn tới một số trường hợp đầu tư không hợp lý, tạo ra chênh lệch cung - cầu. Khi đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ nhóm DN nghiên cứu thị trường và trở thành cầu nối đưa thông tin này tới địa phương nhằm tạo ra chuỗi liên kết bền vững cho quả vải. Đây cũng là một trong những cơ chế hỗ trợ được xây dựng trong luật - cơ chế hỗ trợ người đi hỗ trợ.
Lấy dẫn chứng thứ hai về câu chuyện “giải cứu thịt heo”, ông Đông một lần nữa khẳng định, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ về thông tin, KHCN và vốn, thông qua đó đáp ứng nhu cầu DN. “Không có chuyện cầm từng đồng tiền đến từng hộ nuôi heo, hộ trồng vải để hỗ trợ bởi điều này còn vi phạm nguyên tắc của WTO và trợ giá, khi xuất khẩu sẽ bị kiện về chống bán phá giá nên điều này cân nhắc kĩ”, ông Đông khẳng định.
Cần tiếng nói chung Khi Luật Hỗ trợ DNNVV được thông qua, không ít chuyên gia lo lắng, làm sao để luật có thể được thực thi, đi vào cuộc sống? Nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi, trong một hệ thống luật kinh tế hiện tại, làm cách nào để luật vừa xây dựng được cơ chế hỗ trợ đặc thù, riêng biệt cho nhóm DNNVV, nhưng không xung đột với những luật khác? Cùng với đó, nhiều cơ quan có liên quan đã tỏ ra ngần ngại khi phải thay đổi những quy định hiện hành nhằm tạo cơ chế riêng cho nhóm giải pháp hỗ trợ DNNVV.
Về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV cho rằng, để luật có thể sớm đi vào cuộc sống, quan trọng nhất vẫn là nhận thức của địa phương, các bộ, ngành liên quan. Nếu chậm triển khai thực hiện một ngày thì mất đi ý nghĩa của luật một ngày.
Ông Nam đề xuất, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định cụ thể hóa những điều của luật, phân trách nhiệm cho các địa phương, bộ, ngành liên quan. Các DNNVV chủ yếu là nằm ở các địa phương nên vai trò của các địa phương rất quan trọng, cần tập trung vào những chỗ yếu của DNNVV để hỗ trợ như mặt bằng, tín dụng, thủ tục hành chính...
“Theo tôi, cần sự tập trung của cả hệ thống, tất cả những đơn vị liên quan phải cùng thực hiện. Ví dụ: Cải cách thủ tục hành chính công phải được triển khai nhanh, ít nhất phải có thông tin trên website cho DN nắm bắt. Cần ban hành rà soát thủ tục thừa - thiếu, tích hợp tốt để không còn tình trạng “một cửa nhưng nhiều khóa”, tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính”, ông Nam cho biết.
Một vấn đề nữa mà nhiều chuyên gia cũng như đại biểu quan tâm là vấn đề vốn cho DN. Đánh giá về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam cho rằng, không chỉ yêu cầu DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn của ngân hàng và chính các ngân hàng cũng cần thay đổi để đưa ra những tiêu chuẩn riêng cho từng nhóm đối tượng, ví dụ như thay vì tài sản đảm bảo có thể nâng hạn mức cho vay tín chấp.
"Các ngân hàng cũng là các DN, việc đảm bảo yêu cầu an toàn hoạt động, an toàn vốn là điều đúng, nhưng những ngân hàng cũng cần đứng về phía DN, đặc biệt là nhóm DNNVV", ông Nam cho hay. Còn theo ý kiến một số đại biểu Quốc hội, hiện nay việc tiếp cận vốn của các DNNVV còn khó khăn. Theo đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), việc quy định 3 loại Quỹ hỗ trợ vốn là Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, chưa phân định rõ chức năng cũng như cách thức thực hiện các loại quỹ này nên cần làm rõ hơn.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng: “Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là quỹ rất mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần đánh giá hiệu quả các quỹ đã có để quyết định thành lập hay không thành lập quỹ mới. Nếu thành lập mới thì cần làm rõ quy trình hoàn vốn, thủ tục thoái vốn, cơ chế quỹ khi DN phá sản...”.
Luật Hỗ trợ DNNVV gồm 4 chương, 36 điều, với nội dung chính là hỗ trợ thiết yếu đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Hỗ trợ tiếp cận vốn từ các ngân hàng, miễn giảm thuế, hỗ trợ mở rộng thị trường, thuê mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, đào tạo, thông tin, tư vấn, pháp lý... Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. |