LTS: Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và góp phần tạo sự đồng thuận xã hội trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ ngày 7/1/2014, báo Tin Tức - TTXVN, kênh thông tin của Chính phủ, sẽ ra mắt Chuyên trang Thành phố Hồ Chí Minh trên trang 5, vào ngày thứ ba hàng tuần.
Chuyên trang Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung phản ánh những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; những quyết sách của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng Thành phố trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, dịch vụ thương mại lớn nhất trong cả nước. Bên cạnh đó, chuyên trang sẽ phản ánh những nỗ lực của người dân trong sự nghiệp xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Ban biên tập báo Tin Tức rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến, bài vở với chuyên trang, nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc Thành phố Hồ Chí Minh và bạn đọc cả nước.
Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh đã có những kết quả tích cực, trở thành một trong những công cụ điều tiết thị trường hữu hiệu, góp phần kiềm chế lạm phát. Đặc biệt, những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, công nhân và người lao động nghèo, khi họ được tiếp cận hàng hóa chất lượng cao với giá thấp.
Hạ nhiệt các cơn “sốt” giá
Từ việc chỉ thực hiện bình ổn giá trong những tháng cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đến nay chương trình bình ổn giá của Thành phố đã được triển khai cả năm, thậm chí có nhiều doanh nghiệp của Thành phố còn tham gia bình ổn giá khắp cả nước.
Bắt đầu từ năm 2012, các DN tham gia chương trình bình ổn thực hiện bán hàng lưu động phục vụ nơi có đông công nhân, người lao động có thu nhập thấp ở vùng sâu, vùng xa. |
Theo thống kê của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 12/2013, chương trình bình ổn đã thu hút hơn 64 doanh nghiệp tham gia, với trên 350 mặt hàng, thuộc 4 nhóm lương thực - thực phẩm, sữa, dược phẩm và các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng với 7.665 điểm bán hàng bình ổn. Chương trình bình ổn đã phủ sóng tới 24 quận, huyện của Thành phố, tất cả hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, tại khu dân cư và các khu chế xuất - khu công nghiệp.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, nhờ việc thực hiện thường xuyên chương trình bình ổn giá mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của Thành phố luôn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, góp phần to lớn và hiệu quả vào chủ trương thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của cả nước. Mặt khác, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn luôn có lượng hàng dồi dào, chất lượng đảm bảo và giá cả thấp hơn giá thị trường từ 5 - 10%, đã kịp thời đưa hàng hóa về những khu vực có hiện tượng “sốt” giá, găm hàng, gây mất cân đối cung cầu thị trường. Chính vì thế, những đợt “sốt” giá gạo, đường, trứng… trong năm qua đã được “hạ nhiệt” ngay khi mới bắt đầu.
Với mục tiêu tập trung vào 2 tháng cận Tết, chương trình bình ổn giá Tết Giáp Ngọ 2014 tại TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu vào giai đoạn tăng tốc. Kéo dài cho đến ngày 1/3/2014, các doanh nghiệp phân phối đã cam kết nhiều mặt hàng trọng yếu phục vụ nhu cầu người dân vào dịp Tết sẽ không tăng giá. Riêng các mặt hàng có sức mua lớn vào dịp này như thịt gia súc, gia cầm, trứng... sẽ có chương trình giảm giá sâu trong 3 ngày cuối cùng giáp Tết để người dân ai cũng có thể mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết. |
Không chỉ phát huy hiệu quả ổn định giá cả thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát cả năm, các doanh nghiệp tham gia chương trình còn giữ vai trò chủ lực trong việc bình ổn giá cả thị trường Tết. Có thể thấy, nhiều năm qua, nguồn cung từ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn luôn chiếm từ 30 - 40% thị phần hàng hóa phục vụ Tết tại TP Hồ Chí Minh. Năm nay, các doanh nghiệp cũng đã tăng khả năng cung ứng bình quân lên 114% so với kế hoạch Thành phố giao, lượng hàng cũng tăng bình quân 67% so với kết quả thực hiện Tết Quý Tỵ 2013.
Người lao động hưởng lợi
Không chỉ góp phần điều tiết giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, chương trình còn đưa hàng bình ổn thị trường đến tay người tiêu dùng ở những vùng sâu, vùng xa. Bắt đầu từ năm 2012, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, doanh nghiệp tăng cường phát triển các điểm bán bình ổn tại các KCN - KCX, các khu dân cư. Các doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh các chuyến bán hàng lưu động, đem hàng hóa về các vùng ngoại thành Thành phố, nơi có nhiều người tiêu dùng có thu nhập thấp, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Tính đến tháng 12/2013, trên địa bàn Thành phố đã có 11 điểm bán bình ổn tại 9 KCX - KCN, 3 cửa hàng tiện lợi tại xí nghiệp có đông công nhân, 2 cửa hàng thanh niên phục vụ khu lưu trú công nhân...
Chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân làm việc tại khu chế xuất Linh Trung 1 (Thủ Đức), cho biết: “Trước kia, mỗi lần tăng ca về khuya, tôi thường phải mua đồ ăn tại những chợ cóc, chợ tạm nên thực phẩm không được đảm bảo an toàn vệ sinh. Từ khi khu chế xuất có siêu thị bình ổn giá, tôi rất yên tâm khi mua hàng để có chất lượng bữa ăn đảm bảo, với giá cả cũng phải chăng, phù hợp với thu nhập bấp bênh của người công nhân nghèo”.
Dịp Tết năm nay, ngoài những điểm bán hàng cố định, Thành phố sẽ tăng cường các chuyến bán hàng lưu động đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp. Theo Sở Công Thương, từ nay đến Tết, Thành phố sẽ tổ chức khoảng 180 - 200 chuyến bán hàng lưu động đến những nơi này. Riêng tại doanh nghiệp Vissan, đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng, sản phẩm từ thịt gia súc… đã tăng cường bán hàng trực tiếp cho bà con vùng sâu. Ngoài đội xe giao hàng hơn 60 chiếc, doanh nghiệp đã đầu tư đội giao hàng bằng xe máy với trang bị thùng chứa hàng đảm bảo theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác như Ba Huân cũng đã đầu tư 10 xe để chuyển hàng đến các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa; doanh nghiệp Vĩnh Thành Đạt mở rộng mạng lưới bán hàng tại những điểm bán mới ở khu vực ngoại thành, vùng ven; Satra ra quân bán hàng lưu động gồm 20 xe với hơn 100 đội viên đi bán lưu động là những mặt hàng bình ổn thị trường, hàng khuyến mại, hàng hóa nhu yếu phẩm và lương thực thực phẩm thiết yếu với hơn 300 mặt hàng các loại… Từ những chuyến bán hàng lưu động này, những người dân lao động, người nghèo… đã được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình, cũng như từ chủ trương của thành phố.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương: TP Hồ Chí Minh tiên phong bình ổn thị trường Chương trình bình ổn giá cả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là một công cụ để kiềm chế giá cả các mặt hàng thiết yếu của UBND TP hiện nay và tương lai. Chương trình đã cho thấy sự quan tâm của chính quyền Thành phố với việc chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho người dân. Trong nhiều năm liền thực hiện, Thành phố luôn là đơn vị tiên phong trong bình ổn thị trường. Năm nay, nhiều doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh như Vissan, Ba Huân, Saigon Co.op, Satra… không chỉ thực hiện bình ổn giá cho thị trường TP Hồ Chí Minh mà còn tham gia bình ổn giá cho thị trường cả nước. Chính vì vậy, chương trình bình ổn tại TP Hồ Chí Minh đã được xã hội hóa rất cao, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc điều phối hàng hóa, giá cả, góp phần kéo giảm mức tăng CPI của cả nước. Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM: Hiệu quả từ bình ổn giá qua tăng cường liên kết Nhu cầu nông sản thiết yếu của Thành phố rất lớn mà khả năng cung ứng của Thành phố nhỏ, nên phần lớn nguồn cung ứng là từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và nhập khẩu. Do đó, vấn đề kiềm chế giá cả rất khó khăn, đặc biệt trong tình hình giá cả đầu vào sản xuất nông nghiệp có nhiều biến động như thời gian qua. Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan Trung ương và địa phương cần tạo chính sách hỗ trợ các đơn vị ngay từ nguồn cung ứng hàng hóa. Thực tế, việc bình ổn giá ngay từ nguồn cung cấp bằng việc tăng cường liên kết với các tỉnh bạn thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực trong chủ động được nguồn hàng. Đây cũng được coi là giải pháp căn cơ, bền vững cần nhân rộng trong thời gian tới. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan: Tạo niềm tin để doanh nghiệp tiếp tục tham gia bình ổn giá Năm 2013, công ty thực hiện chương trình bình ổn thị trường quanh năm. Rất may mắn, Vissan đã được hầu hết các ngân hàng đồng hành, hỗ trợ với lãi suất vay hợp lý; đồng thời công ty cũng tiết giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho giá thành đầu ra ổn định, giúp ổn định về giá cả trên thị trường. Việc chương trình được cộng đồng hưởng ứng và ủng hộ, đã tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục vươn lên phát triển, tiếp tục tham gia đồng hành cùng chương trình bình ổn giá, nhằm giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho người dân, đặc biệt là những lao động có thu nhập thấp. |
Lê Nghĩa -Hoàng Tuyết