Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc yêu cầu nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới. Báo Tin tức đăng ý kiến một số chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này:
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
Phục hồi kinh tế, sinh kế của người dân và doanh nghiệp
Chống dịch thành công, kinh tế mới phục hồi nhưng chống dịch và phục hồi kinh tế phải song song, kinh tế phục hồi sẽ tăng năng lực chống dịch, không nên đặt vế nào cao hơn, như thế mới là mục tiêu kép.
Nếu Việt Nam không có Chương trình phục hồi, thúc đẩy kinh tế một cách toàn diện, phục hồi sẽ rất chậm và nhiều đau đớn. Chương trình này không nên kéo dài, chỉ trong thời hạn 3 năm vì thời gian này là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Chúng ta có lẽ phải tạm đặt mục tiêu tăng trưởng sang một bên để lo chặn đà suy giảm kinh tế trước; đồng thời cần phải sớm có một kế hoạch để phục hồi nền kinh tế với các giải pháp cụ thể và đột phá. Đầu tư công là một trong những giải pháp tối ưu để đẩy nhanh phục hồi kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Chương trình phục hồi kinh tế này cần hướng tới mục tiêu thúc đẩy phục hồi kinh tế, sinh kế của người dân và doanh nghiệp, sau đó thúc đẩy tăng trưởng.
Chương trình phục hồi kinh tế tập trung vào 4 trụ cột chính như: Từng bước mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở cửa nền kinh tế; phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng truyền thống và kinh tế số, gắn với đầu tư công; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đồng thời khuyến khích đầu tư ; cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Để có sự phục hồi, doanh nghiệp đang cần những hỗ trợ cấp bách vì nếu không sẽ không thể tồn tại và cũng cần cả những giải pháp dài hơi hơn để doanh nghiệp có thể đứng lên, vượt lên, những doanh nghiệp mới sẽ xuất hiện, tạo nên những ngành nghề mới, những năng lực mới.
Ưu tiên trước mắt là Việt Nam bao phủ vaccine và mở cửa kinh tế. Chính phủ, địa phương, các bộ, ngành sẽ đồng hành với các doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực để tháo gỡ rào cản. Trong lúc này, chúng ta không đặt thêm những "mệnh lệnh hành chính", "giấy phép con" như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh; phải bỏ ngay cách làm ngăn sông cấm chợ, phải tạo ra sự luân chuyển hàng hoá thống nhất thông suốt thuận lợi dễ dàng.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện mạnh mẽ hơn vì tổn thất của doanh nghiệp hiện tại là chưa bao giờ có. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, có nhiều giải pháp không cần đến nguồn lực Nhà nước như miễn, giảm phí, ví dụ miễn một số loại phí kéo dài đến giai đoạn 2023 - 2024, không nên để ở mức thời hạn ngắn là 6 tháng, 9 tháng. Để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kích cầu tiêu dùng, Chính phủ có thể xem xét chính sách miễn giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT)
Cần có những hướng dẫn cụ thể về kinh doanh an toàn, sản xuất an toàn. Hướng dẫn tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực và cơ chế giám sát, phản hồi, với mục đích các chính sách hỗ trợ tổ chức sản xuất - kinh doanh phải được ráo riết thực hiện một cách triệt để, làm tới đâu gọn gàng, hiệu quả tới đó.
Dành sự hỗ trợ ưu tiên các ngành hàng thiết yếu, các khu công nghiệp, ngành nghề sản xuất hàng xuất khẩu, đóng góp cho xuất khẩu. Những giải pháp hỗ trợ này là cần cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Giải pháp tiếp theo là thúc đẩy cầu, nâng cao năng lực sản xuất, phục hồi tổn thương và khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực mới, ngành nghề mới, sáng tạo các mô hình kinh doanh mới.
Để phục hồi, tư duy về đầu tư cũng cần thay đổi như tập trung vào khu vực kinh tế trọng điểm để các khu vực này bật lên. Đơn cử như đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh, để thúc đẩy phục hồi bằng kinh tế nơi đây với những chính sách ưu đãi đầu tư như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án đầu tư mới ở mức cao hơn, dài hơn.
Những chính sách ưu đãi trên trong Chương trình phục hồi vượt ra ngoài thẩm quyền Chính phủ nên rất cần sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Quốc hội.
TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ :
Kế hoạch phục hồi cần xây dựng theo 2 giai đoạn
Trước mắt, chúng ta có lẽ phải tạm đặt mục tiêu tăng trưởng sang một bên để lo chặn đà suy giảm kinh tế trước. Theo đó, kế hoạch phục hồi cần xây dựng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, theo mục tiêu đến tháng 6/2022 cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng; đồng thời phải đặt mục tiêu chặn đà suy giảm kinh tế từ nay đến tháng 6/2022. Chỉ sau khi đã đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam mới đi lên được.
Trong giai đoạn 2, từ tháng 7/2022, Việt Nam sẽ triển khai các giải pháp đẩy nhanh phục hồi kinh tế, trọng tâm vẫn là đầu tư, gồm cả đầu tư công, đầu tư tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, đầu tư công phải là "vốn mồi", có những lĩnh vực đầu tư công phải tập trung làm trước, còn lại huy động các thành phần kinh tế khác tham gia. Giải pháp tốt nhất, Việt Nam cần có Đề án tổng thể để tháo gỡ các vướng mắc, vướng đâu gỡ đấy.
Đối với lĩnh vực đầu tư công, Việt Nam vẫn phải tập trung vào đầu tư kết cầu hạ tầng gồm: Hệ thống hạ tầng giao thông năng lượng và hạ tầng phục vụ nông nghiệp. Với đầu tư tư nhân, chúng ta nên hướng họ tới giải quyết đầu tư các ngành, lĩnh vực hiện có thị trường tiềm năng và sử dụng nhiều lao động.
Với doanh nghiệp FDI, chúng ta cần chính sách thu hút những doanh nghiệp đủ lớn và cam kết lôi kéo được doanh nghiệp Việt vào chuỗi, tận dụng được năng lực, công nghệ, thị trường của họ. Muốn thực hiện được, chúng ta phải có kế hoạch ngay từ bây giờ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội, muộn nhất tại Kỳ họp thứ 3 năm sau phải được duyệt phương án. Trong đó, phải có các chương trình, phương án cụ thể về đầu tư công, về bội chi ngân sách, nợ công, các giải pháp đột phá cho nền kinh tế ngoài những biện pháp mà Quốc hội và các Nghị quyết của Đảng đã cho phép.
Dịch bệnh lần này với sự xuất hiện của biến chủng mới đã diễn biến rất nhanh và khó lường, không chỉ ở Việt Nam mà ở rất nhiều nước khác trên thế giới. Các giải pháp áp dụng rất hiệu quả trong những đợt dịch trước thì nay không phù hợp khi biến chủng Delta có đặc điểm siêu lây nhiễm. Dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ở những địa bàn đông đúc với đặc điểm dân cư, tập quán sinh hoạt khác nên đòi hỏi phải có những giải pháp rất đặc thù.
Với doanh nghiệp, bên cạnh việc tiếp tục gia hạn các giải pháp của năm 2020, Chính phủ cũng đang xây dựng Nghị quyết về một số giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Những chính sách này sẽ hỗ trợ về dòng tiền cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp duy trì sản xuất, tiếp tục hoạt động, không phải lo đến chuyện nộp thuế thu nhập.
Một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp thua lỗ, dừng hoạt động hay phá sản thì không có thuế để được hưởng chính sách giãn, giảm thuế. Nhưng đây là phương án để cứu những doanh nghiệp còn sống, giữ lại việc làm cho người lao động, chứ không phải cứu những doanh nghiệp đã chết. Chúng ta đang đi theo kinh tế thị trường thì phải chấp nhận quy luật đào thải của nó là sẽ có hàng loạt những doanh nghiệp không trụ nổi phải đóng cửa, những doanh nghiệp khỏe hơn, tốt hơn sẽ trụ lại. Vấn đề lúc này là hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội phải đẩy mạnh để người dân không rơi vào vòng xoáy khủng hoảng và các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi của Nhà nước là phải tăng cường.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Phan Đức Hiếu :
Chần chừ hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp sẽ chết
Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được Chính phủ ban hành ngày 9/9/2021. Tuy nhiên, hiệu quả của Nghị quyết này đến đâu lại phụ thuộc vào việc triển khai của các bộ, ngành và địa phương. Các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, doanh nghiệp và người dân mới được hưởng chính sách hỗ trợ để hồi phục lại "sức khỏe".
Theo khảo sát của Ban IV - Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, trong số 21.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát, đã có 69% (tương đương 14.800 doanh nghiệp) cho biết phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh. Phần lớn trong số này là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Có 16% số doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần. Còn lại là số doanh nghiệp đã phải giải thể.
Trong số các doanh nghiệp tạm dừng, lý do lớn nhất là do đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước (35,4%) do không đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch là 21%. Đặc biệt, có tới 45% doanh nghiệp đang tạm dừng không thể dự tính được họ sẽ phải đóng cửa bao lâu; 40% trong số doanh nghiệp tạm dừng chỉ còn đủ tiền hoạt động khoảng 1 tháng. Tỷ lệ này ở doanh nghiệp đang cố gắng duy trì là 17,7%.
Nhiều giải pháp nếu có thể áp dụng ngay, áp dụng sớm sẽ có tác động tích cực đến việc giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp như: Miễn nộp đoàn phí công đoàn năm 2021 và 2022; hỗ trợ chi phí xét nghiệm; giảm phí sử dụng công trình, tiện ích công cộng… Mọi sự chậm chễ trong triển khai Nghị quyết sẽ là sự cản trở cho việc đạt được mục tiêu và sự ổn định, phát triển của đất nước.
Trong Nghị quyết 105/NQ-CP, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Khẩn trương, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh, hoàn thành trong tháng 9/2021.