Hết nỗi sợ về ‘điểm đen’ giao thông

Thực hiện Nghị quyết số 134/2020 của Quốc hội khóa XIV về rà soát, xử lý các vị trí "điểm đen", điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) trên quốc lộ (QL), đường bộ, đường sắt, nhằm giảm tối đa số vụ tai nạn, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị chuyên ngành tập trung giải quyết các điểm đen giao thông, báo cáo Bộ trước ngày 15/8 để trình Chính phủ.

“Đại phẫu” các “điểm đen” giao thông

Theo ghi nhận của phóng viên, trước năm 2021, dọc QL5, nhất là đoạn qua tỉnh Hải Dương có hàng chục điểm đen giao thông gây bức xúc dư luận, nay đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI - đơn vị đại diện cơ quan Nhà nước quản lý QL5) khắc phục, không còn hiện tượng sống trâu, hằn lún vệt bánh xe hay tình trạng hàng rào hộ lan bị người dân tự ý tháo dỡ làm lối đi tự mở…

Chú thích ảnh
Sống trâu, hằn lún vệt bánh xe... trên QL5 trước đây.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án sửa chữa QL5 (VIDIFI) cho biết, để đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông an toàn, VIDIFI đang triển khai đợt “đại phẫu”, khắc phục toàn bộ điểm đen và các vị trí hư hỏng trên khoảng 30 km tuyến đường, với tổng kinh phí 840 tỷ đồng. Dự kiến, đến quý IV/2021 hoàn thành. Đơn cử, tại điểm đen Km47 - Km48, các đơn vị thi công đang cào bóc phần hư hỏng, hoàn thiện lớp móng bằng cấp phối đá dăm, thảm bê tông nhựa, thay toàn bộ hệ thống bó vỉa, sơn lại vạch kẻ đường, thay biển báo đúng quy chuẩn…

Chú thích ảnh
Vị trí điểm đen giao thông trên QL5 đã được xử lý.

Năm 2020, điểm đen tai nạn trên QL7 từ Km86+100 - Km86+350 đoạn qua xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An theo ghi nhận của phóng viên có lưu lượng xe lưu thông tương đối lớn, là đoạn đường hẹp, cong cua liên tục, tầm nhìn bị hạn chế, vạch sơn liền nét mờ… nên thường trực nguy cơ xảy ra TNGT.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, cũng tại vị trí này đã xảy ra 3 vụ TNGT, làm 1 người chết, 3 người bị thương. Từ tháng 5/2020 đến nay, điểm đen trên đã được Cục Quản lý đường bộ II thi công mở rộng mặt đường tại vị trí cong cua, lắp đặt tiêu dẫn hướng, gắn đinh phản quang, bổ sung hệ thống ATGT theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và đang sửa chữa phần mặt đường bị rạn nứt để sớm xóa điểm đen này.

Chú thích ảnh
Ví trí tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên QL5.

Tương tự, hàng trăm điểm đen giao thông trên QL quốc gia qua các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hòa Bình, cần kinh phí sửa chữa lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam xử lý dứt điểm trong năm 2020, tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông êm thuận như: Đoạn Km33+300 (từ cầu Đa Phúc) đến Km344+436 (cửa khẩu Tà Lùng); trên tuyến QL3 mới Hà Nội-Thái Nguyên đoạn Km0+00-Km69+158; đoạn Km144+500-Km183 trên QL279, đoạn Km17+600-Km18+300 QL4A qua huyện Văn Lãng (Lạng Sơn); đoạn Km30+400-Km34+600 trên đèo Khau Múc (Cao Bằng)…

Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, 5 năm qua, các địa phương đã xóa bỏ được gần 1.100 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên QL, góp phần kéo giảm tai nạn, nhất là những vụ việc mang tính chất nghiêm trọng và thảm khốc. Việc tập trung ưu tiên xử lý điểm đen trong bối cảnh nguồn vốn sửa chữa bảo trì mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu đã phần nào cho thấy nỗ lực và quyết tâm của ngành giao thông và các cấp chính quyền trong bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường bộ.

Không để tái phát điểm đen

Để làm được điều này, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục đang tiếp tục xây dựng và triển khai giải pháp nâng cao ATGT cho các tuyến đường, chú trọng vào các đoạn đèo dốc trọng điểm trên các QL qua các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trong quản lý Nhà nước về tổ chức giao thông, Tổng cục đã chuyển giao quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn cho các địa phương thực hiện ATGT.

Tại các cuộc họp hàng quý, Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đều chỉ đạo quán triệt phải xóa 100% các điểm đen giao thông. Riêng các điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, do cần nguồn kinh phí lớn nên sẽ xử lý dần.

Chú thích ảnh
Điểm đen TNGT Km30+400 - Km34+600 trên đèo Khau Múc, Cao Bằng đã được xử lý.
Chú thích ảnh
Hàng rào hộ lan bằng lốp cao su dẫn lên đường lánh nạn cứu hộ hiệu quả các xe mất phanh khi đổ đèo Khau Múc.

Thực tế tại các địa phương hiện nay, việc xử lý các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, dễ phát sinh và tái phát điểm đen giao thông không dễ, ngoài bất hợp lý về mặt hạ tầng, còn vướng nhiều thủ tục đầu tư và thiếu vốn. Nếu xóa điểm đen, đơn vị quản lý tuyến đường phải lập dự án đầu tư xây dựng cơ bản, báo cáo địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước kế hoạch sửa chữa, khắc phục trước hàng năm, nên thường bị chậm trễ.

Chú thích ảnh
Đoạn 700 m điểm đen TNGT Km17+600 - Km18+300 QL4A qua huyện Văn Lãng, Lạng Sơn đang được xử lý, với kinh phí gần 12 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, xử lý điểm đen là vấn đề mang tính cấp thiết, liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Vì vậy, các dự án xóa điểm đen giao thông được giải quyết bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ thì nên giao quyền quyết định nhiều hơn cho các cơ quan quản lý bảo trì đường bộ tại địa phương để bảo đảm tính kịp thời, tránh tiếp tục để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Chú thích ảnh
Điểm đen TNGT Km41+600 - Km55+650 QL4A qua huyện Tràng Định, Lạng Sơn đã được xử lý.

Nghị quyết 134 Quốc hội khóa XIV yêu cầu Chính phủ sớm ban hành Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ năm 2021, tập trung xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, góp phần kéo giảm số vụ, số người chết, bị thương do TNGT.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết: Việc xóa bỏ điểm đen TNGT trên QL cả nước hiện nay là ưu tiên số 1 trong công tác bảo trì đường bộ. Hàng năm, Tổng cục dành nguồn vốn khoảng 400-500 tỷ đồng để xử lý các điểm đen tại các địa phương. Việc xóa các điểm đen góp phần đảm bảo ATGT cho người và phương tiện, kéo giảm TNGT. Tuy nhiên, ý thức tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông giữ vai trò quyết định.
Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức
Xử lý 49 'điểm đen' giao thông trên các quốc lộ qua Cao Bằng và Lạng Sơn
Xử lý 49 'điểm đen' giao thông trên các quốc lộ qua Cao Bằng và Lạng Sơn

Từ năm 2017-2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã xử lý 49 "điểm đen" mất an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến quốc lộ (QL) qua 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng, tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông êm thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN