Tại hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nghiệm vụ năm 2019 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) sáng 15/1, ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc A0 cho biết, năm 2018 là một năm vận hành khó khăn của hệ thống điện Quốc gia với mức tăng trưởng phụ tải cao. Tại miền Nam thiếu hụt nguồn cấp trầm trọng. Tình hình thiên tai, lũ lụt phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cung ứng điện và gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống điện.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện gặp nhiều khó khăn, các nguồn cấp khí trong nước đã giảm mạnh và chưa có nguồn bổ sung. Đặc biệt, các tháng cuối năm 2018 khí Nam Côn Sơn cấp chỉ còn khoảng 16,5 triệu m3/ngày, bằng 75% so với các năm trước đây.
Việc cấp khí không ổn định và xảy ra nhiều sự cố nên sản lượng khí cấp cho sản xuất điện thấp hơn so với kế hoạch gần 450 triệu m3, tương ứng với sản lượng điện khoảng 2,5 tỷ kWh.
Mặt khác, việc cấp than trong nước cũng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện, đặc biệt trong 3 tháng cuối năm 2018. Đồng thời lưu lượng nước về các hồ thủy điện cuối năm ít, đặc biệt các hồ thủy điện miền Trung.
Trong khi đó, các nhà máy thủy điện công suất trên 30 MW, chiếm 26,8% công suất đặt của hệ thống điện được điều tiết bởi 11 quy trình vận hành liên hồ chứa đang có nhiều bất cập và tồn tại vướng mắc khi hài hòa với quy định của thị trường điện.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Đức Ninh, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã lập phương thức và chỉ huy vận hành hệ thống điện Quốc gia an toàn, tin cậy, đảm bảo chất lượng và tối ưu với tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện năm 2018 đạt hơn 219,9 tỷ kWh, tăng 10,92% so với năm 2017.
Công suất cực đại đạt 35.126 MW (vào ngày 3/7), tăng 13,6% so với năm 2017. Sản lượng ngày cao nhất đạt 725,94 triệu kWh (vào ngày 4/7), tăng 12,8% so với năm 2017. Trong đó, tăng trưởng phụ tải của miền Bắc cao nhất, đạt 18,9%.
Trong năm, Trung tâm điều hành thị trường phát điện cạnh tranh đảm bảo công bằng, minh bạch cho tất cả các đơn vị tham gia thị trường điện, không để xảy ra khiếu nại thắc mắc mà không có các giải thích hợp lý. Đồng thời tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trung tâm cũng từng bước làm chủ hệ thống SCADA/EMS, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện, hệ thống thông tin, tổng đài điều độ; xây dựng và đã được cấp chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO 27001.
Mặt khác, năm 2018, A0 còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ được EVN giao bổ sung như đánh giá an ninh cung cấp điện trung và dài hạn giai đoạn 2018 - 2030; Đánh giá nhu cầu trao đổi điện năng với các nước trong khu vực bao gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia; đề xuất các giải pháp về kết nối điện một chiều cao áp với các nước trong khu vực giai đoạn 2018 - 2030; tham gia tổ công tác để mua điện với Campuchia. Đồng thời tham gia góp ý các báo cáo đấu nối của các dự án nguồn điện trong khu vực như Nhà máy điện Xekong, Mỹ Lý-Nậm Mô; tính toán và phân tích lưới điện phục vụ mua điện từ Campuchia.
Cùng với việc phối hợp với Cơ quan Hợp tác và Phát triển Ý tại Việt Nam (AICS) thực hiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu ảnh hưởng của tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo đối với hệ thống điện Việt Nam và Đầu tư tích hợp Trung tâm điều khiển năng lượng tái tạo (RECC) vào Trung tâm điều khiển hệ thống điện Quốc gia, A0 còn phối hợp với Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) thực hiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu phát triển hệ thống tích trữ năng lượng tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc A0 cho biết, năm 2019, việc vận hành hệ thống điện Quốc gia sẽ tiếp tục có những khó khăn và thách thức. Cụ thể, truyền tải trên lưới 500 kV thường xuyên ở mức cao trong cả năm, đặc biệt trên cung đoạn Bắc - Trung.
Sản lượng nguồn điện huy động bằng dầu từ 2,4 đến 6,6 tỷ kWh. Việc đảm bảo cung cấp điện miền Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó xác định chính xác như: tiến độ/độ ổn định các tổ máy nhiệt điện than mới, sự cố tiềm ẩn của các nguồn cung cấp khí, khả năng cung ứng than...
Theo kế hoạch, trong năm sẽ tiếp tục có các giai đoạn cắt khí PM3 từ ngày 31/8-13/9, do vậy việc vận hành ổn định của các nhà máy điện than ở miền Nam có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh cung cấp điện cũng như vận hành kinh tế hệ thống điện.
Cũng theo A0, việc liên tục phải truyền tải với công suất và sản lượng cao trong năm 2019 sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong vận hành. Điểm “nút cổ chai” của truyền tải 500 kV hiện tại là cung đoạn Đà Nẵng - Pleiku, đặc biệt là trong giai đoạn mùa lũ của khu vực Bắc miền Trung, trong nhiều trường hợp không thể huy động cao các nguồn điện miền Bắc để hỗ trợ cho hệ thống điện miền Nam. Nhiều máy biến áp 500 kV đầy tải ngay trong chế độ vận hành bình thường.
Liên kết với lưới điện Campuchia cũng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dao động công suất, đe dọa đến vận hành an toàn của hệ thống điện miền Nam nói riêng và hệ thống điện Việt Nam nói chung.
Với cơ chế giá hấp dẫn cho nguồn điện năng lượng mặt trời, A0 dự kiến từ nay đến 30/6/2019 sẽ có khoảng 1.700 MW nguồn điện mặt trời, 330 MW nguồn điện gió vào vận hành, sẽ gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện cũng như giải tỏa công suất của các nguồn điện này.
Việc vận hành các nguồn thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc cũng gặp nhiều khó khăn trong giải tỏa công suất các nguồn này vào cao điểm khi tất cả các nhà máy phát để hưởng biểu giá chi phí tránh được. Ngoài ra, tiến độ vận hành của các nguồn thủy điện nhỏ không rõ ràng đã gây nhiều khó khăn trong đầu tư lưới điện và lập kế hoạch vận hành hệ thống điện
Với vai trò hàng đầu trong điều hành sản xuất điện và điều hành thị trường điện, A0 xác định các mục tiêu chính của năm 2019 là vận hành an toàn, minh bạch hệ thống điện và thị trường Việt Nam, sẵn sàng chuyển đổi sang giai đoạn thị trường bán buôn theo tiến độ được phê duyệt.
Cùng với việc tính toán, lập phương thức vận hành và điều độ tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện, giảm thiểu chi phí mua điện của EVN, A0 cũng tăng cường khai thác các ứng dụng của hệ thống SCADA/EMS vào tính toán phân tích hệ thống điện thời gian thực và giao dịch thị trường điện.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho rằng, A0 được ví như quả tim của hệ thống điện Quốc gia. Trong năm 2018, A0 đã vận hành an toàn hệ thống điện, đáp ứng được yêu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Hàng tháng, A0 huy động nguồn điện tối ưu để đảm bảo cân đối nguồn điện cả nước; đảm bảo vận hành thị trường điện minh bạch và hiệu quả. Thực hiện tốt vai trò đấu nối giữa hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước trong khu vực.
Ông Dương Quang Thành cho biết, năm 2019, EVN phải thực hiện mục tiêu tiếp tục đảm bảo điện cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong điều kiện không còn nguồn điện dự phòng do hàng năm các nhà máy điện đưa vào vận hành không đủ công suất theo yêu cầu, do đó năm nay sẽ phải phải huy động nguồn điện chạy dầu đắt nhất.
Bên cạnh đó, trong nước thiếu 8 triệu tấn than để phát điện, việc nhập than để phát điện phải tính đến. Nguồn khí cũng đến độ suy giảm nhanh hơn dự kiến, nên nguồn khí hiện nay cấp không ổn định và thấp hơn hợp đồng đã ký.
Mặt khác, nguồn năng lượng mới và tái tạo đưa vào vận hành nhiều (hơn 6.000 MW công suất từ nguồn điện mặt trời), không kiểm soát được tiến độ, gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện. Hiện nay, nguồn điện mua bên ngoài như các nhà máy BOT, các nhà máy điện độc lập cũng không kiểm soát được chế độ vận hành ổn định.
Do vậy, để đảm bảo vận hành hệ thống điện Quốc gia an toàn và ổn định, theo Chủ tịch Dương Quang Thành, trong quý 1, A0 cần chủ động nghiên cứu giải pháp về an ninh hệ thống điện để tránh rủi ro; nghiên cứu giải pháp đấu nối với hệ thống năng lượng mặt trời.
Đồng thời theo dõi và xử lý kịp thời các tình huống đe dọa đến an ninh, bảo mật hệ thống điện Quốc gia. Mặt khác, xây dựng Đề án đưa hệ thống điều độ điện Quốc gia vào công trình an ninh quốc gia. Ngoài ra, tăng nguồn điện nhập khẩu để khắc phục việc thiếu than trong sản xuất điện và chạy nguồn điện chạy dầu…