Hợp phần Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau trạm 110 kV tỉnh Hậu Giang có tổng vốn đầu tư xây dựng lưới điện từ 2016 - 2035 dự kiến trên 3.644 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 là trên 1.375 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 là gần 990 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là trên 650 tỷ đồng, giai đoạn 2031 - 2035 là trên 625 tỷ đồng.
Tổng lượng điện thương phẩm vào năm 2035 dự kiến đạt trên 3.622 GWh, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm dự kiến đạt 9,8%.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cơ bản thống nhất với ý kiến của đơn vị tư vấn về đề án và đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật ý kiến của các sở, ngành, địa phương, phối hợp cập nhật số liệu kinh tế - xã hội để đưa ra số liệu phù hợp trong quy hoạch.
Các địa phương cần rà soát, cập nhật, bổ sung quy hoạch đất đai dành cho hợp phần II, riêng Sở Công Thương nghiên cứu quy hoạch cụ thể phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.
Ông Tuấn lưu ý, phải có lộ trình xây dựng các tuyến trung thế tại các khu đô thị như thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy để thực hiện mục tiêu nâng chuẩn đô thị tại các địa phương này vào năm 2020.
Theo Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3, Đề án Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 - Hợp phần II: Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau trạm 110 kV có tính khả thi về mặt kinh tế, kể cả trường hợp vốn đầu tư tăng 10% và phụ tải giảm 10%; việc thực hiện các công trình trong quy hoạch theo đúng tiến độ và quy mô là tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để thực hiện hiệu quả đề án, tỉnh Hậu Giang cần dành quỹ đất cho các công trình này trong quy hoạch phân bố đất đai của tỉnh, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn lưới điện; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá bảo vệ tài sản lưới điện và đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp; đẩy mạnh chương trình tiết kiệm năng lượng.
Hiện nay, lưới điện 22 kV trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã tạo liên kết mạch vòng. Còn một số khu vực bán kính cấp điện khá lớn do ở xa vị trí trạm biến áp 110/22 kV nên hạn chế khả năng cấp điện ổn định.
Các đường dây hạ thế ở một số huyện vận hành lâu năm, tỷ lệ sử dụng cáp bọc vặn xoắn còn thấp, dây dẫn bị lão hóa, bán kính cấp điện xa dẫn đến tổn thất cao. Cọc đất bị mục, xảy ra trường hợp mất dây tiếp đất tại một số khu vực.