Công nhân điện lực đóng điện Trạm biến áp 10 KV Long Đức (Trà Vinh). Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN |
Với khối lượng đầu tư lớn này, từ nay đến năm 2020, EVN SPC chú yếu triển khai nhiều dự án, công trình lưới điện trọng điểm.
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết, Tổng công ty sẽ triển khai thực hiện dự án Tín dụng ngành điện 3 (PSL3), vay vốn Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng giá trị 7.234 triệu JPY (Yên Nhật), tương đương tổng mức đầu tư 1.096 tỷ đồng. Dự án bao gồm xây dựng 0,5km đường dây 220kV, 129km đường dây 110kV, 244 km đường dây trung thế và 255km đường dây hạ thế. Ngoài ra còn xây dựng trạm biến áp (TBA) 220kV tổng dung lượng 500 MVA, trạm 110kV tổng dung lượng 710 MVA và các trạm phân phối với tổng dung lượng 11,78 MVA.
Với 18 tiểu dự án, đến thời điểm này EVN SPC đã hoàn thành đóng điện 6 công trình 110kV, các công trình còn lại đang thi công sẽ hoàn thành đóng điện trong năm 2018.
Với dự án Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3 (DPL3), vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), có tổng mức đầu tư 921 tỷ đồng; trong đó vốn vay nước ngoài 30 triệu USD, tương đương 640 tỷ đồng). Dự án có khối lượng đầu tư 695km đường dây trung thế và 609km đường dây hạ thế, tổng dung lượng 115,8 MVA các trạm phân phối.
Hiện nay, dự án đã đóng điện đưa vào vận hành các hạng mục công trình cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Trà Vinh; cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ chong đèn thanh long tỉnh Long An và cải tạo, phát triển nguồn và lưới điện trên địa bàn huyện đảo Phú Qúy (Bình Thuận).
Với tổng mức đầu tư 1.051 tỷ đồng; trong đó vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW2) là 20 triệu EURO, tương đương 518 tỷ đồng, EVN SPC đang triển khai dự án Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện tại khu vực các tỉnh: Bình Thuận, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có khối lượng đầu tư 152km đường dây 110kV, 12 TBA 110kV với tổng dung lượng 572 MVA.
Phó Tổng Giám đốc EVN SPC, Nguyễn Phước Đức, với 14 tiểu dự án, đến nay Tổng công ty đã hoàn thành đóng điện 8 tiểu dự án, 4 tiểu dự án còn lại sẽ được hòan thành trong quý 2 năm nay, bao gồm trạm 110kV Tân Thành và đường dây Hàm Kiệm-Tân Thành; trạm 110kV Long Điền và đấu nối; trạm 110kV Nam Tân Lập và đường dây 110kV Cần Đước - Nam Tân Lập; đường dây 110kV Ngãi Giao - Cẩm Mỹ.
Dự án Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ, cũng vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW 3.1) với tổng giá trị 68 triệu EURO. Với tổng mức đầu tư 1.529 tỷ đồng, dự án xây dựng và củng cố lưới điện 110kV; cải tạo và nâng cấp, mở rộng lưới điện trung và hạ áp các thành phố vừa và nhỏ trên địa bàn quản lý 11 tỉnh, thành khu vực miền Nam của EVN SPC.
Bên cạnh đó, giảm tổn thất điện năng trên lưới điện; đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng điện năng và an toàn lưới điện. Đồng thời nâng cao khả năng cung cấp điện liên tục, ổn định, giảm tình trạng quá tải trên lưới điện. Hiện dự án đang trong giai đoạn phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công-dự toán và dự kiến triển khai trong quý 2/2018 để hoàn thành vào năm 2019.
Mặt khác, trên địa bàn 10 tỉnh/thành phố khu vực miền Nam cũng sẽ được EVN SPC triển khai dự án Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW 3.2) với tổng mức đầu tư 1.345 tỷ đồng. Dự án đang trong giai đoạn phê duyệt lập thủ tục đầu tư để thực hiện trong kế hoạch năm 2019.
Với các dự án cấp điện lưới quốc gia cho các đảo tỉnh Kiên Giang, huy động từ nhiều nguồn vốn như vốn ngành điện, vay tín dụng hương mại trong nước, vốn của tỉnh ứng và khách hàng, thì dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn và Hòn Nghệ đã hoàn thành đóng điện cuối năm 2016. Riêng dự án cấp điện cho xã đảo Hòn Thơm đang triển khai và dự án cấp điện cho xã đảo Tiên Hải đang chuẩn bị đấu thấu để triển khai thi công trong quý 2 này và hoàn thành đóng điện cuối năm nay.
Hiện EVN đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế kỹ thuật - Dự toán và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của dự án Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc (Kiên Giang). Dự án có khối lượng xây dựng 73km đường dây trên không với tổng mức đầu tư 2.212 tỷ đồng bằng vốn vay tín dụng thương mại với các ngân hàng trong nước. EVN SPC dự kiến triển khai đấu thầu thi công trong quý 2 này và hoàn thành dự án trong năm 2019.
EVN SPC cũng đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án vay vốn Cơ quan Phát triển Pháp AFD với tổng giá trị cho vay là 80 triệu EURO, tương đương 2.085 tỷ đồng để triển khai trong giai đoạn từ nay đến 2020 ngay sau khi Hiệp định vay vốn được ký kết. Danh mục đầu tư bao gồm 31 dự án 110kV với tổng khối lượng 534km đường dây 110kV, tổng dung lượng trạm 110kV là 852 MVA và 2 dự án cấp điện bằng nguồn điện mặt trời và Hệ thống tích hợp các nguồn điện không nối lưới tại huyện Côn Đảo.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2018 - 2019, Tổng công ty chủ yếu đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời trên địa bàn huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện đảo Phú Qúy, tỉnh Bình Thuận với tổng công suất đặt khoảng 6 MW. Với tổng mức đầu tư khoảng 180 tỷ đồng, Tư vấn đang lập thủ tục đầu tư.
Riêng 2 công trình Hệ thống tích hợp nguồn điện cho hệ thống điện không nối lưới điện quốc gia tại huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận và huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng công suất pin nạp xả khoảng 5 MW đang trong giai đoạn phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và dự kiến triển khai đưa vào vận hành cuối năm nay. Trong đó, Dự án cấp điện bằng nguồn điện mặt trời và Hệ thống tích hợp nguồn điện cho hệ thống điện không nối lưới điện quốc gia tại huyện Côn Đảo đã đăng ký vốn vay AFD với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, EVN SPC cũng giao cho các Công ty Điện lực thực hiện các công trình năng lượng mặt trời áp mái tại đơn vị để chủ yếu cấp cho nguồn tự dùng với tổng công suất khoảng 3,2 MW, tổng giá trị khoảng 88 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để các dự án được triển khai đúng tiến độ, theo ông Nguyễn Phước Đức, rất cần sự phối hợp của nhiều ban ngành tại địa phương trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thi công công trình điện. Bởi trên thực tế thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng đã được lãnh đạo địa phương các cấp quan tâm hỗ trợ, góp phần hoàn thành phần lớn các công trình lưới điện theo tiến độ kế hoạch.
Mặc dù vậy, tại một số công trình vẫn còn vài vị trí trở ngại việc bàn giao mặt bằng dẫn đến kéo dài tiến độ thi công và thời điểm hoàn thành đưa vào vận hành chậm hơn nhiều so với kế hoạch làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện, gây thiệt hại cho chủ đầu tư và đơn vị thi công.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng đa số là người dân cho rằng đơn giá bồi thường do địa phương phê duyệt chưa thỏa đáng, từ đó ngăn cản không giao mặt bằng để thực hiện công trình. Bên cạnh đó, việc sử dụng đường để vận chuyển vật tư thiết bị và máy móc thi công vào vị trí móng trụ cũng gặp khó khăn do các hộ dân yêu cầu bồi thường, hỗ trợ cho việc chiếm đất tạm thời quá cao. Trong khi đó, việc cưỡng chế, bảo vệ thi công cũng khó thực hiện được do phải rà soát nhiều thủ tục.