Bằng cách tận dụng tối đa các lợi ích của chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo nên những trải nghiệm khách hàng xuất sắc và duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều chuyên gia chuyển đổi số nhận định, quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, từ quy trình kinh doanh đến quản lý và tương tác với khách hàng đã thay đổi toàn bộ diện mạo và hệ thống vận hành trong nhiều doanh nghiệp. Quá trình này không chỉ dừng lại ở việc số hóa các tài liệu và quy trình hiện có mà còn bao gồm việc thay đổi toàn diện cách thức hoạt động và tư duy kinh doanh. Từ đó, tạo ra những giá trị mới cho doanh nghiệp và khách hàng.
Ông Lê Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ AB Soft cho hay, chuyển đổi số giúp tự động hóa nhiều quy trình kinh doanh, giảm thiểu công việc thủ công và tăng cường hiệu quả làm việc. Các hệ thống quản lý tài nguyên doanh nghiệp (ERP) và quản lý quan hệ khách hàng (CRM) cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động hàng ngày, từ quản lý kho hàng, sản xuất đến bán hàng và dịch vụ khách hàng. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tăng tốc độ và độ chính xác trong các hoạt động kinh doanh.
Thông qua các công cụ phân tích dữ liệu và CRM, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu và hành vi của khách hàng, từ đó cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phù hợp. Các nền tảng kỹ thuật số cho phép tạo ra những trải nghiệm khách hàng cá nhân hóa, cải thiện sự hài lòng và trung thành của khách hàng. Đồng thời, các kênh giao tiếp trực tuyến như website, mạng xã hội, và ứng dụng di động giúp doanh nghiệp tương tác với khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Không những thế, chuyển đổi số cung cấp cho doanh nghiệp các công cụ phân tích dữ liệu mạnh mẽ, giúp quản lý và lãnh đạo có thể ra quyết định dựa trên dữ liệu thực tế và chính xác. Các báo cáo và phân tích dữ liệu kinh doanh theo thời gian thực giúp nhận diện các xu hướng, dự đoán rủi ro và xác định các cơ hội kinh doanh mới. Việc này giúp doanh nghiệp phản ứng nhanh chóng và chính xác trước những thay đổi của thị trường, ông Dũng nhấn mạnh.
Trong một thị trường cạnh tranh, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt và duy trì lợi thế cạnh tranh. Việc ứng dụng công nghệ mới, từ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning) đến Internet vạn vật (IoT) đang giúp doanh nghiệp phát triển các sản phẩm và dịch vụ đột phá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đồng thời, việc tối ưu hóa các quy trình nội bộ và quản lý tài nguyên hiệu quả giúp giảm chi phí và tăng cường sức mạnh tài chính.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dự kiến đến năm 2025, thị trường chuyển đổi số toàn cầu sẽ đạt giá trị 15,8 nghìn tỷ USD. Nắm bắt tiềm năng to lớn này, nhiều quốc gia đã triển khai chiến lược chuyển đổi số bài bản, toàn diện với trọng tâm phát triển “hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo”.
Nhiều quốc gia dẫn đầu công nghệ như Hoa Kỳ với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Apple, Microsoft và Amazon. Hoa Kỳ đã tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, và blockchain được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực từ kinh doanh, y tế, giáo dục đến dịch vụ công. Hay Trung Quốc - siêu cường quốc kỹ thuật số với các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như Alibaba, Tencent và Huawei... Chính phủ Trung Quốc còn triển khai chiến lược "Made in China 2025" nhằm đưa quốc gia này trở thành trung tâm công nghệ của thế giới.
Cùng đó, Israel - một quốc gia của khởi nghiệp và công nghệ, với tỷ lệ cao về các công ty khởi nghiệp công nghệ đang được đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển; nhất là trong lĩnh vực an ninh mạng, công nghệ y tế và fintech... Có thể thấy, hành trình chuyển đổi số ở mỗi quốc gia tuy có những điểm riêng biệt, nhưng đều hướng đến mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, là sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách hỗ trợ của chính phủ và sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp. Họ không chỉ tạo ra những giá trị mới mà còn mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển cho tương lai.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược và chương trình thúc đẩy chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Hiện nay, tại Việt Nam có thể ghi nhận những bước tiến đáng khích lệ trong việc phát triển hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ số. Việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên phong sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, đưa đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế số toàn cầu và hướng đến tương lai phát triển bền vững.
Là đơn vị tư vấn giải pháp và áp dụng công cụ quản trị hiệu quả giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, Công ty cổ phần Công nghệ Thiết bị Tân Phát (ETEK SOFTS) đã có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực quản trị, xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh. Với việc áp dụng tư duy quản trị hiện đại cùng với sự hỗ trợ của công nghệ 4.0, Eteksofts đang cung cấp nhiều giải pháp và hệ thống phần mềm giúp nhiều doanh nghiệp quản lý công ty, quản lý con người, quản lý công việc và các nguồn lực trong doanh nghiệp 1 cách hiệu quả, thông minh và khoa học.
Ông Nguyễn Minh Tân, Tổng giám đốc Tân Phát Etek cho hay, chuyển đổi số là việc triển khai một loạt những thay đổi về công nghệ và con người để tái cấu trúc cách thức hoạt động, từ đó tạo ra những cơ hội và giá trị mới cho doanh nghiệp. Có 5 yếu tố then chốt trong chuyển đổi số tại mỗi doanh nghiệp.
Đó là, văn hóa và chiến lược số, gắn kết khách hàng, quy trình - cải tiến và vấn đề công nghệ. Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu Katzenbach đối với 2.219 nhà lãnh đạo trên khắp thế giới, cho thấy, có 86% doanh nghiệp đồng ý rằng, văn hoá kém sẽ tác động tiêu cực đến tổ chức và dẫn đến năng suất thấp; 51% doanh nghiệp cho rằng, đơn vị của họ cần phải có 1 cuộc "đại tu" về văn hoá tổ chức và 48% nhà lãnh đạo khẳng định họ chưa được trang bị đầy đủ công dụng và phương pháp để tạo ra những thay đổi về văn hoá mang tính bền vững và lâu dài...
Chuyển đổi số là một quá trình doanh nghiệp tích hợp và áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào các lĩnh vực của tổ chức nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh, tối ưu vận hành và tạo lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tân khuyến nghị, không có một quy trình chuyển đổi số chung nào cho tất cả các doanh nghiệp.
Mọi doanh nghiệp cần xác định ý nghĩa của chuyển đổi số với doanh nghiệp, đánh giá hiện trạng và mong muốn của doanh nghiệp, phân tích các tác động và xu hướng bên ngoài, phân tích các công nghệ số, xác định chiến lược chuyển đổi số, triển khai và quản lý chuyển đổi số. Trong quy trình chuyển đổi số, điều quan trọng là doanh nghiệp phải có được góc nhìn toàn cảnh và xác định được tại sao mình cần chuyển đổi số. Bất chấp sự khác biệt về ngành, điểm xuất phát và mục tiêu, mọi doanh nghiệp đều có thể xác định được ý nghĩa của chuyển đổi số.