“Hành trang” mới cho doanh nghiệp xuất khẩu vào Hoa Kỳ

Sản phẩm tiêu dùng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đều phải tuân theo “Đạo luật an toàn sản phẩm tiêu dùng” do Ủy ban An toàn sản phẩm người tiêu dùng Hoa Kỳ ban hành năm 2008. Và từ 14/8/2011, luật này đã có những cải tiến mới khắt khe hơn đối với các sản phẩm dành cho trẻ em dưới 12 tuổi, áp dụng cho các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ và nhà phân phối các sản phẩm dành cho trẻ em.

Nghiêm ngặt đối với sản phẩm dành cho trẻ em

Ông Nguyễn Thế Hưng – Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, chiếm 20% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Để duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững vào thị trường này, các DN cần phải nắm vững những đạo luật mới được ban hành tại quốc gia này .

Ông Richard O’Brien, Giám đốc các chương trình quốc tế và các vấn đề liên Chính phủ - Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) cho biết, hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải tuân thủ các quy định của Đạo luật cải thiện an toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSIA) năm 2008. Quốc hội Hoa Kỳ đã ấn định các mức mới khắt khe hơn đối với nồng độ chì trong các sản phẩm được thiết kế chủ yếu dành cho trẻ em dưới 12 tuổi. Cụ thể, từ 14/8/2011, luật này quy định hàm lượng chì trong một sản phẩm không được vượt quá giới hạn 100 phần triệu (ppm). Đối với sơn và lớp phủ bề mặt sản phẩm mà trẻ em có thể tiếp cận, ngậm vào miệng hay nuốt chỉ cho phép tối đa 90 phần triệu (ppm). Luật mới cũng đòi hỏi hàng hóa phải có nhãn mác truy nguyên nguồn gốc sản phẩm và giấy kiểm định chất lượng an toàn sản phẩm của bên thứ 3 độc lập (các phòng thí nghiệm được CPSC chấp nhận) thì mới được thông quan vào Hoa Kỳ.

May hàng xuất khẩu tại Tổng công ty Dệt may Gia Định. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Theo ghi nhận của CPSC, trong khoảng từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2011 đã có 65 mặt hàng nhập khẩu sản phẩm trẻ em tại Hoa Kỳ bị thu hồi, chủ yếu là: Quần áo, giày dép, đồ chơi, giường cũi, xe tập đi... Điều đáng nói, sản phẩm bị thu hồi nhiều nhất là quần áo trẻ em với các lỗi phổ biến như áo khoác, áo ấm có dây buộc quanh mũ hoặc ở cổ khiến trẻ bị nghẹt thở, nghẽn mạch, hay quần áo có vật dễ tháo dẫn đến nguy cơ trẻ có thể nuốt…

Doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm

DN bán hàng vào thị trường Hoa Kỳ cần tìm hiểu rõ thông tin tại website: http://www.safeproducts.gov/. Đây là diễn đàn để người tiêu dùng (NTD) Hoa Kỳ trao đổi về an toàn của một sản phẩm, ông Jeffrey Hilsgen – Giám đốc CPSC Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết. Qua kênh thông tin này, nhà sản xuất thông tin đến NTD về sản phẩm của mình, để NTD tìm hiểu thông tin sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Khi có những phản ánh về an toàn sản phẩm. NTD có thể gửi lên website này, sau đó thông itn được chuyển đến nhà nhập khẩu và nhà sản xuất.

Luật pháp Hoa Kỳ cho phép CPSC có quyền linh hoạt trong xử lý hàng hóa vi phạm. CPSC có thể ra quyết định phạt tiền đối với nhà nhập khẩu và nhà sản xuất vi phạm với mức phạt cao nhất là 15 triệu USD, và trong trường hợp vi phạm nặng hoặc cố tình vi phạm có thể bị xử lý hành chính. CPSC cũng có quyền vào bất cứ DN, nhà xưởng nào để kiểm tra đột xuất. hàng hóa khi bị thu hồi sẽ phân thành 2 loại: Hàng hóa mới về cảng, chưa lưu thông vào thị trường nhưng đã vi phạm, nếu nặng sẽ bị tiêu hủy lô hàng tại chỗ, trường hợp vi phạm nhẹ, hàng hóa sẽ bị giữ và phải sửa chữa ngay tại cảng hải quan. Còn đối với hàng hóa đã lưu thông bị thu hồi, nhà sản xuất phải đổi lại sản phẩm hoặc trả lại 100% tiền cho người mua, trường hợp hàng hóa vi phạm có tính chất độc hại, ngoài khoản tiền trả lại còn có trả thêm khoản tiền bù đắp cho người mua hàng.

Theo ông Richard O’Brien, từ đầu năm 2011 đến nay, Việt Nam có 6 sản phẩm bị thu hồi tại Hoa Kỳ, chủ yếu là quần áo trẻ em, găng tay, giường ngủ, ghế gỗ... Khi sản xuất hàng dệt may, đặc biệt là hàng dệt may dành cho trẻ em, nhà sản xuất cần hết sức chú ý khi thiết kế các chi tiết, sử dụng nguyên liệu có thể gây ảnh hưởng đến sự an toàn cho trẻ em. Ông cũng khuyến cáo, các loại quần áo có dây rút trên cổ, các nút thắt bằng gỗ hoặc mút có trong dây rút lưng hoặc quần áo có vật dễ tháo hiện đã bị cấm hoàn toàn tại Hoa Kỳ.

Một DN tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hoa Kỳ đã ban hành nhiều đạo luật liên quan đến các tiêu chuẩn an toàn hàng hóa xuất khẩu vào thị trường nước này nhưng do chưa nắm rõ các quy định, vô tình, một số nhà xuất khẩu Việt Nam có sản phẩm bị lỗi. Thị trường khắt khe, bản thân DN chúng tôi phải tự bảo vệ mình, tăng cường cập nhật, tìm hiểu thông tin về các quy định mới của CPSC, đồng thời cải thiện chất lượng hàng hóa để nâng cao tính cạnh tranh, tránh bị thiệt hại".

Việt Âu

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN