Hàng Việt gánh thêm nhiều sức ép - Bài 1

Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ có lợi cho hàng hóa nước này xuất khẩu sang các nước, trong đó có Việt Nam. Do đó, các chuyên gia kinh tế lo ngại, hàng Trung Quốc giá rẻ sẽ có thêm ưu thế cạnh tranh so với hàng Việt Nam.


ÁP LỰC CẠNH TRANH VỀ GIÁ CẢ

Lâu nay, trong thế cạnh tranh với hàng Trung Quốc, bất lợi lớn nhất đối với hàng Việt Nam là về giá cả. Hàng Trung Quốc phải sản xuất theo quy mô lớn, thậm chí cực lớn nên thường có sức cạnh tranh về giá mạnh hơn nhiều so với hàng Việt Nam. Với việc giảm giá đồng nhân dân tệ, sức ép cạnh tranh về giá cả giữa hàng Việt với hàng Trung Quốc còn mạnh hơn.

Đã rẻ còn rẻ thêm

Tại Diễn đàn DN Việt Nam và DN tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, các DN Trung Quốc cho rằng, họ sẽ được hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam do đồng nhân dân tệ giảm giá.

Đại diện một công ty phát triển nông nghiệp TP Quảng Thủy (Trung Quốc) cho biết, DN này xuất khẩu dược liệu, trái cây và rau quả vào Việt Nam nên khả năng được hưởng lợi lớn bởi các mặt hàng này có giá thành rất rẻ.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Lôi, Phó Tổng giám đốc Công ty Ô tô Tân Sở Phong cho biết, DN này đã có đơn hàng xuất khẩu xe ô tô đầu kéo, rơ-móc sang Việt Nam. Đầu năm 2015, các loại xe ô tô xuất sang Việt Nam đã giảm giá 5%, thấp hơn nhiều các hãng khác. Việc đồng nhân dân tệ phá giá có thể tiếp tục khiến giá ô tô giảm tiếp.

“Hàng Việt Nam sẽ bị cạnh tranh quyết liệt từ hàng Trung Quốc. Hàng Trung Quốc đã rẻ lại rẻ hơn, từ đó dễ chiếm ưu thế tuyệt đối”, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định về xu hướng cạnh tranh sắp tới.

Còn ông Tu Xiulin, Giám đốc một công ty chuyên về lĩnh vực ô tô Trung Quốc cho biết, việc giảm giá đồng nhân dân tệ có lợi cho xuất khẩu ô tô vào Việt Nam, đặc biệt là ô tô tải. Ông Tu Xiulin khẳng định, thị trường Việt Nam rất rộng lớn và nhu cầu tiêu thụ ô tô cao. Các chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể hỗ trợ DN giảm giá xe, giành ưu thế trước các đối thủ khác đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… khi tham gia vào thị trường Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 25.800 xe tải từ Trung Quốc. Giá xe tải nhập từ Trung Quốc thấp hơn xe sản xuất lắp ráp trong nước từ 5 - 15%. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ sẽ khiến các DN ô tô Trung Quốc cân nhắc giảm giá xe xuất khẩu sang Việt Nam và sẽ cạnh tranh gay gắt hơn nữa với xe lắp ráp trong nước. Không ít ý kiến lo ngại, các hãng xe Trung Quốc vì tham lợi nhuận có thể cắt giảm tối đa mọi chi phí nhằm hạ giá bán.

Trong bối cảnh đó, các DN sản xuất ô tô trong nước không khỏi lo lắng. Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), các DN lắp ráp ô tô trong nước muốn tiếp tục đứng vững trên thị trường phải giảm giá thành hiện nay từ 15-20% ở tất cả các khâu từ sản xuất, phân phối đến bán lẻ mới có thể cạnh tranh được.

Hàng Việt khó giảm giá

Trong khi các DN Trung Quốc có thêm cơ hội thì sức ép cạnh tranh với DN Việt Nam lại lớn hơn. Dệt may là mặt hàng chịu nhiều cạnh tranh từ hàng Trung Quốc. Mặc dù dệt may là một trong những lĩnh vực dẫn đầu về xuất khẩu, song các DN dệt may luôn “kêu ca” gặp khó khi muốn làm chủ thị trường nội địa do phải cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc giá rẻ.

Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty May 10, cho biết, trong khi một chiếc áo sơ mi của công ty bán với giá 300.000 - 400.000 đồng/chiếc thì hàng Trung Quốc chỉ trên dưới 100.000 đồng/chiếc. So với hàng Việt Nam, hàng Trung Quốc có chất liệu kém hơn nhưng mẫu mã khá bắt mắt. Đặc biệt, tại thị trường nông thôn, người dân thu nhập thấp nên điều họ quan tâm đầu tiên khi mua hàng là giá. “Như vậy làm sao chúng tôi có thể cạnh tranh được”, ông Việt than thở.

Liên quan đến câu chuyện giá thành sản phẩm, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam không khỏi lo lắng khi hàng giá rẻ Trung Quốc xâm chiếm thị trường Việt, khiến các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam không thể tiêu thụ được. “Một chiếc đèn ngủ mây tre đan do làng nghề Phú Vinh (Hà Nội) sản xuất có giá 80.000 - 150.000 đồng trong khi hàng Trung Quốc có giá chỉ 15.000 đồng. Mặc dù đèn Trung Quốc nhanh hỏng hơn nhưng lại nhẹ hơn, bắt mắt hơn nên rất nhiều người mua”, ông Dần chia sẻ.

Là một DN chuyên sản xuất hàng gốm sứ theo lối thủ công truyền thống, Công ty cổ phần gốm sứ Quang Vinh (Bát Tràng, Hà Nội) có khoảng 20% sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa. Đại diện DN này cho biết, nếu so sánh về kĩ thuật sản xuất thì gốm Việt Nam và Trung Quốc khá tương đồng. “Tuy nhiên, hàng Trung Quốc được sản xuất rất chuyên nghiệp, quy mô lớn với hiệu quả cao, có khi 100 sản phẩm thu được đến 90 - 95 sản phẩm, do đó giá thành rẻ”, ông Lê Ngọc Thạch, Phó giám đốc Công ty cho biết. Trong khi đó, các DN Việt Nam chưa có kinh nghiệm nên không dám nhận những đơn hàng lớn dù được đối tác đặt hàng. Do duy trì lối sản xuất quy mô nhỏ, lẻ tẻ nên giá thành bị đội lên cao.

Bài cuối: Tìm lối đi cho hàng Việt
Hoàng Dương
Kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá
Kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nhìn tổng thể tháng 8 và 8 tháng năm 2015, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục ổn định, chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa, xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN