Hàng Tết phong phú và chất lượng

Càng gần Tết Nguyên đán, thị trường càng sôi động hơn do người dân đổ xô đi mua sắm. Tết năm nay, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng và giá cả hàng hóa không chỉ giữa các doanh nghiệp nội với nhau mà còn bởi sự mở rộng quy mô kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.


Tăng chất, không tăng giá


Dạo qua thị trường thời điểm này, có thể thấy hàng hóa đủ loại mẫu mã, chủng loại, giá cả tràn ngập, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Siêu thị Big C, TP Hồ Chí Minh tấp nập khách đến sắm hàng tết.
Ảnh: Lê Nghĩa

Theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa phục vụ Tết phải bảo đảm đủ hàng, không để xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá. Theo dự báo, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết tăng khoảng 15 - 18% so với các tháng trong năm.


Theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), mặt hàng đồ khô, măng, miến, bánh mứt kẹo... đã vào đợt cao điểm với lượng hàng về chợ nhiều hơn hai tuần trước từ 20 - 30%. Tại các chợ đầu mối, lượng rau, quả chuyển về cũng tăng mạnh. Chợ đầu mối Long Biên, lượng hàng về chợ tăng gấp 1,5 lần ngày thường, đạt trên 500 tấn/ngày.


Các doanh nghiệp nội đang dốc toàn lực cho đợt sản xuất, cung ứng hàng hóa cao điểm nhất trong năm, đảm bảo đủ hàng và không tăng giá. Công ty Bánh kẹo Hải Hà chủ động dự trữ 7.000 tấn nguyên liệu, dự kiến đưa ra thị trường 1.500 tấn bánh và 3.500 tấn kẹo các loại. Từ đầu vụ hàng Tết đến nay, công ty phải “chạy” 3 ca liên tục, sản xuất 200 tấn bánh kẹo/ngày. Công ty Vang Thăng Long cũng chuẩn bị các loại nguyên liệu hoa quả ngay từ đầu năm để đảm bảo có 3,2 triệu sản phẩm vang các loại, tăng 30% so với Tết năm ngoái.


Đại diện Công ty Vang Thăng Long cho biết, doanh nghiệp luôn kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào ở mức thấp nhất để sản phẩm đầu ra có giá hợp lý, nhằm giữ giá bán ổn định, dù công ty phải tốn thêm chi phí về tem thuế trên từng sản phẩm. Theo đại diện Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, giá bán các loại bánh mứt kẹo của doanh nghiệp năm nay được giữ nguyên, dù giá nguyên liệu đầu vào đã tăng khá mạnh (trong đó, giá gừng tăng gấp đôi; giá cà rốt và các loại quả tăng gần 10%).


Tại khu vực phía Nam, theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống cho thấy, sau thời gian dài trầm lắng, hiện sức mua đã bắt đầu tăng nhiệt, đặc biệt ở nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu ngày Tết như: đồ uống, thực phẩm, thời trang... Nhiều doanh nghiệp cho biết, doanh thu đang tăng mạnh trong những ngày giáp Tết.


Cụ thể, Công ty Kinh Đô đã hoàn thành kế hoạch tiêu thụ 4.500 tấn sản phẩm trong dịp Tết Giáp Ngọ, tăng 20% so với Tết năm ngoái. Còn Công ty Bibica, ngay từ đầu tháng 1/2014, cũng đã công bố vượt doanh số toàn vụ với sản lượng 1.250 tấn, tăng 10% so với năm ngoái. “Hiện doanh nghiệp đang bước vào những ngày kinh doanh sôi động nhất trong năm. Dự kiến dịp Tết năm nay, tại các cửa hàng trong hệ thống siêu thị của chúng tôi, sức mua sẽ tăng từ 10 - 15%”, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op nhận định.


Doanh nghiệp ngoại “tranh” thị phần


Dù chỉ mới đi vào hoạt động từ giữa tháng 1/2014 và nằm ở vị trí xa trung tâm TP Hồ Chí Minh, nhưng Trung tâm thương mại Aeon, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, đang là địa chỉ thu hút sự quan tâm của các “tín đồ” mua sắm. Chỉ mới 10 giờ sáng 23 tháng Chạp nhưng khu vực tầng trệt chuyên bán các loại thực phẩm tươi sống, kinh doanh ăn uống đã nhộn nhịp người mua kẻ bán.


“Chỉ tính trong 10 ngày qua, mỗi ngày chúng tôi đã đón bình quân 30.000 khách đến tham quan, mua hàng tại trung tâm. Cuối tuần, lượng khách có thể tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường. Hiện khu kinh doanh tự chọn có diện tích 16.000 m2, cung cấp hơn 12.000 mặt hàng thiết yếu đang thu hút lượng lớn người dân mua sắm”, ông Motoya Akada, Chủ tịch Tập đoàn Aeon cho biết.


Còn hệ thống siêu thị Big C đã đồng loạt mở toàn bộ các quầy chính và bổ sung thêm các quầy lưu động; tăng cường khoảng 30% nhân viên thu ngân trong mỗi ca. Từ ngày 23 - 30 Tết, tất cả các cửa hàng đều nới rộng khung giờ mở cửa từ 0,5 - 2 tiếng. Đặc biệt, ngày 25 và 26 Tết, các siêu thị sẽ mở cửa hoạt động đến 24 giờ.


Như vậy, bên cạnh việc mua sắm tại những chợ dân sinh, chợ truyền thống, các siêu thị nội, hiện nay, người tiêu dùng còn có xu hướng tìm đến các siêu thị, công ty phân phối hàng hóa nước ngoài bởi các siêu thị này có ưu thế về chất lượng hàng hóa cũng như phong cách phục vụ. Số liệu thống kê cho thấy, đến nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường bán lẻ Việt Nam đang không ngừng tăng lên, chiếm 40% số siêu thị và trung tâm thương mại trên khắp cả nước.


Theo lộ trình, đến năm 2015, Việt Nam sẽ cho phép các nhà bán lẻ nước ngoài đầu tư 100% vốn mở chi nhánh, cơ sở làm ăn, mua bán tại Việt Nam. Ngoài ra, khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thuế suất nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ giảm xuống 0%. Đây là cơ hội để người tiêu dùng có thể tiếp cận hàng hóa chất lượng cao, giá cả phải chăng từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản... Theo ông Nguyễn Thành Nhân, nhiều nhà bán lẻ nội địa đã lên kế hoạch mở rộng kinh doanh nhằm giành thế chủ động trong cuộc chiến cạnh tranh thị phần.


Lê Nghĩa - Hoàng Dương

Làng nghề hối hả phục vụ Tết
Làng nghề hối hả phục vụ Tết

Những ngày cuối năm, do nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm truyền thống tăng lên, nên các làng nghề truyền thống ở ngoại thành Hà Nội vẫn đang hối hả sản xuất để tăng lượng hàng cung ứng cho thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN