GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết ngày 23/4: “Để kiểm soát thực phẩm có khả năng bị nhiễm phóng xạ từ Nhật Bản được nhập khẩu về Việt Nam, chúng tôi đã yêu cầu cơ quan nhập khẩu, xuất khẩu của Nhật Bản là mọi mặt hàng nhập vào Việt Nam đều phải có giấy chứng nhận an toàn phóng xạ. Phía bạn cũng đã đồng ý với chúng ta về vấn đề này”.
Tranh thủ mua vét hàng Nhật
Tại các cửa hàng, đại lý sữa, đại lý đồ Nhật Bản xách tay, sau sự cố hạt nhân tại “đất nước mặt trời mọc”, rất nhiều khách hàng đến hỏi mua với số lượng lớn những nhãn sữa bột của Nhật. Các chủ đại lý sữa cho biết, các bà mẹ tranh thủ mua những lô hàng sản xuất trước ngày Nhật Bản xảy ra tình trạng động đất và sóng thần vì lo ngại sắp tới mặt hàng này sẽ khan hiếm do khó nhập hàng và có thể không đảm bảo an toàn.
Chị Hồng Vân (phố Yên Lạc - Hà Nội) cho biết, chị vừa bỏ ra hơn chục triệu để mua 3 thùng sữa Wakado cho con uống dần. Trước đó, mỗi lần hết sữa, chị chỉ mua từ 2 - 4 hộp/lần nhưng lần này phải bỏ tiền mua nhiều. Mặc dù, phải mua với giá đắt hơn thường ngày tới 50.000 đồng/hộp sữa nhưng chị Vân vẫn còn may mắn hơn nhiều bà mẹ. Hiện giờ, rất nhiều bà mẹ đi mua sữa Nhật cho con mà không mua được vì nhiều cửa hàng thông báo hết hàng.
Sữa Nhật trở nên đắt hàng trong những ngày gần đây khi khách hàng tăng mua để tích trữ. |
Ông Nguyễn Dũng, Giám đốc Siêu thị Unimart, một siêu thị chuyên kinh doanh hàng Nhật cũng thừa nhận: Không chỉ khách hàng Việt mà cả khách Nhật Bản sống ở Việt Nam cũng tranh thủ tới siêu thị mua rất nhiều loại hàng hóa thực phẩm như sữa, các loại gia vị, đồ ăn liền mà siêu thị nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản.
Khó kiểm soát hàng xách tay
Hàng Nhật Bản vốn được ưa chuộng vì chất lượng cao, an toàn. Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản phát hiện một số loại hàng hóa nhiễm phóng xạ, nhiều người tiêu dùng không khỏi lo ngại về hàng hóa Nhật Bản nhập khẩu vào Việt Nam. Gia đình chị Nguyễn Lan Anh ở Thanh Xuân, Hà Nội vào dịp này đã từ bỏ thói quen đi ăn ở nhà hàng Nhật Bản: “Các cửa hàng Nhật Bản vẫn mở cửa bán hàng bình thường nhưng gia đình tôi không đi ăn đồ Nhật nữa vì lo ngại hàm lượng chất phóng xạ có trong các loại thực phẩm tươi sống được nhập khẩu từ Nhật”.
Theo GS.TS Nguyễn Công Khẩn, hiện nay, chúng ta không chủ trương cấm các mặt hàng nhập từ Nhật Bản khi chưa có những thông tin chính xác là ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Hơn nữa, các mặt hàng ở vùng nhiễm xạ gồm: Thịt, rau, cá, sữa tươi, đều không nằm trong danh sách mặt hàng thực phẩm nhập vào Việt Nam.
Tại các cửa khẩu, sẽ tăng cường kiểm tra các mặt hàng được cảnh báo là nhiễm phóng xạ từ Nhật Bản. Dự kiến, trong thời gian tới Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tiến hành giám sát, lấy mẫu xét nghiệm một số mặt hàng thực phẩm của Nhật Bản sau khi nhập khẩu vào Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Y tế vẫn liên hệ chặt với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để cập nhật mọi thông tin liên quan đến việc kiểm tra, cảnh báo từ về thực phẩm nhiễm phóng xạ từ Bộ Y tế Nhật Bản.
“Người dân hoàn toàn có thể yên tâm, nếu có sự thông báo nào từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản hay Bộ Y tế Nhật Bản về bất kỳ thực phẩm nào nhiễm phóng xạ thì chúng tôi sẽ lập tức công khai và có biện pháp cảnh báo ngay tới người tiêu dùng”, GS.TS Nguyễn Công Khẩn khẳng định. Các siêu thị ở Hà Nội cũng khẳng định, chỉ nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản khi có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ là được sản xuất ở những vùng an toàn về phóng xạ, đảm bảo an toàn chất lượng.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia thị trường, người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn với hàng xách tay - thường được nhập khẩu nhỏ lẻ nên khó kiểm soát.
Hường- Liên