Ngày 23/3, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết đã phát hiện chất phóng xạ vượt giới hạn cho phép trong sữa tươi chưa qua xử lý tại tỉnh Ibaraki và 11 loại rau củ trồng ở tỉnh Fukushima, trong đó có bông cải xanh (broccoli) và cải bắp. Bộ Y tế Nhật Bản khuyến cáo người tiêu dùng không ăn các loại rau củ này.
Kiểm tra mức độ phóng xạ trong mẫu thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản tại một phòng thí nghiệm ở Manila (Philíppin) ngày 22/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thủ tướng Naoto Kan cùng ngày cũng đã ra lệnh cho hai tỉnh Fukushima và Ibaraki ngừng chuyển một số nông phẩm ra khỏi khu vực, trong đó có bông cải xanh, mùi tây và sữa.
Lo ngại về thực phẩm nhiễm phóng xạ từ Nhật Bản, Pháp đã thúc giục Ủy ban Châu Âu (EC) tiến hành kiểm soát một cách hệ thống đối với việc nhập khẩu các sản phẩm tươi sống từ Nhật Bản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết sẽ cử thêm một nhóm chuyên gia giám sát phóng xạ tới Nhật Bản, phối hợp với nhóm thứ nhất đã tới Nhật Bản từ ngày 17/3, nhằm kiểm tra độ phóng xạ tại khu vực Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, thủ đô Tôkyô và những vùng phụ cận. Theo ông Graham Andrew, trợ lý đặc biệt của Tổng giám đốc IAEA, tình hình tạ Fukushima 1 "vẫn rất nghiêm trọng". Trong khi đó, ông James Lyons, Giám đốc bộ phận an toàn cơ sở hạt nhân của IAEA cho biết, các chất phóng xạ tiếp tục thoát ra từ khu vực nhà máy này, nhưng chưa thể xác định chính xác nguồn gốc.
Báo Nikkei ngày 23/3 đưa tin, chính phủ Nhật Bản ước tính tổng thiệt hại do trận động đất và sóng thần có thể lên đến từ 15-25 nghìn tỷ yên (khoảng 185-308 tỷ USD).
Trong khi đó, sáng 23/3, khu vực đông bắc Nhật Bản lại tiếp tục hứng chịu một số trận động đất mạnh. Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản, một trận động đất mạnh 6 độ Richter xảy ra lúc 7 giờ 12 làm rung chuyển tỉnh Fukushima; một số trận động đất sau đó mạnh từ 4 - 6 độ Richter ảnh hưởng đến một số địa điểm ở Fukuchima và các tỉnh Iwaki, Miyagi và Ibaraki. Tuy nhiên chưa có cảnh báo sóng thần.
TTXVN